CÁ ĐỘ BÓNG ĐÁ QUA MẠNG RANH GIỚI GIỮA TRÒ CHƠI GIẢI TRÍ VÀ TỘI PHẠM (LUẬT SƯ UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

149 lượt xem
5
(1)

Mùa World Cup 2022 đang diễn ra vô cùng sôi động và khó đoán, người dân Việt Nam rất mê xem bóng đá. Và để kích thích sự hưng phấn khi cổ vũ bóng đá cùng bạn bè và người thân thì cá độ bóng đá được xem là chất xúc tác tốt nhất. Hiện nay, Nhà nước chưa chấp nhận việc “Cá độ bóng đá” và Bộ luật hình sự xác định hành vi này có dấu hiệu phạm tội “Đánh bạc” hoặc “Tổ chức đánh bạc” nếu có ăn thua bằng tiền hoặc vật chất khác. Vậy, cá độ bóng đá như thế nào thì được xem là trò chơi giải trí, khi nào sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị phát hiện. Công ty Luật HT Legal VN sẽ giải đáp những thắc mắc này cho các bạn.

1. Đánh bạc đến bao nhiêu tiền là phạm tội:

Tại khoản 1 Điều 321 của Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Nếu bạn đánh bạc bằng tiền hoặc hiện vật giá trị tương đương như: Đồng hồ, dây chuyền, xe máy, điện thoại…từ 5.000.000 đồng trở lên thì bạn chắc chắn phạm tội “Đánh bạc” và sẽ bị xử phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm, cao nhất là 07 năm tù.

Nếu bạn “Cá độ bóng đá” bằng tiền hoặc hiện vật dưới 5.000.000 đồng thì tùy trường hợp bạn sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo khoản 2 Điều 28 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống, tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định như sau:

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;

b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.”

Như vậy, nếu bạn chưa từng bị xử phạt hành chính thì trong trường hợp bạn xử phạt lần đầu sẽ bị xử phạt 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tịch thu số tiền đánh bạc nếu bạn đánh bạc dưới 5.000.000 đồng.

– Tuy nhiên, nếu bạn bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc hoặc đã từng bị kết án về tội “Đánh bạc” hoặc tội “Tổ chức đánh bạc” mà chưa được xóa án tích. Nay bạn lại tiếp tục đánh bạc thì dù bạn đánh bạc dưới 5.000.000 đồng bạn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có nghĩa là bạn đang phạm tội “Đánh bạc”. Do vậy, nếu đã từng bị xử lý về hành vi đánh bạc thì bạn nên cân nhắc, thận trọng trong việc cá cược đỏ đen.

2. Cá độ bóng đá qua mạng có phải là hành vi đánh bạc không?

Cá độ bóng đá qua mạng không những là hành vi đánh bạc qua mạng mà khi bạn thực hiện việc cá độ bóng đá qua mạng với số tiền trên 5.000.000 đồng thì bạn còn phạm vào tình tiết định khung tăng nặng là: “c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 của Bộ luật hình sự và khung hình phạt là từ 03 đến 07 năm tù giam. Do đó, cá độ bóng đá qua mạng khi bị phát hiện và xử lý thì sẽ bị xử phạt rất nặng, nặng hơn cá độ bóng đá thông thường.

Khi xem xét, áp dụng tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 của Bộ luật Hình sự thì chỉ cần chứng minh các bị cáo sử dụng trang mạng đánh bạc trực tuyến không được phép hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội Việt Nam để đánh bạc là đã đủ điều kiện để áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này. Việc chứng minh các bị cáo nhận, trả tiền thắng, thua bạc bằng phương thức nào chỉ nhằm làm sáng tỏ các tình tiết khác của vụ án.

Tuy nhiên, nếu người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber…. để cá độ bóng đá mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội”.

3. Tại sao cùng cá cược bóng đá một số tiền mà có người bị xử lý hành chính, có người bị xử lý hình sự?

Theo Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định thì số tiền của người chơi cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ (trong trường hợp người cá độ thắng cược cá độ) hoặc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua cá độ (trong trường hợp người chơi không thắng cược cá độ).

Ví dụ: Nguyễn Văn A cá độ bóng đá với số tiền 500.000 đồng bắt tỷ số trận Nhật bản và Đức. Nếu A cá cược vào Nhật thắng tỷ lệ 1 ăn 20 tức là A thắng cược số tiền 10.000.000 đồng. Kết thúc trận đấu tỷ số: Nhật bản 2 : Đức 1. Như vậy, nếu A bị bắt sau khi có kết quả thì sẽ phạm tội đánh bạc. Nếu A cá cược Đức thắng Nhật bản thì A chỉ bị xử phạt hành chính đánh bạc số tiền 500.000 đồng.

Như vậy, cùng một số tiền đánh bạc là 500.000 đồng nhưng bạn thắng cược mà bị bắt thì sẽ bị truy  cứu trách nhiệm hình sự, nếu bạn thua cược thì sẽ bị xử lý hành chính. Do đó, chiến thắng không phải lúc nào cũng có lợi.

4. Cùng chơi cá độ bóng đá qua mạng nhưng khi nào phạm tội “Đánh bạc” khi nào phạm tội “Tổ chức đánh bạc”:

Tại Điều 322 của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;

d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.”

Ví dụ: Nguyễn Văn A tạo một tài khoản và nộp tiền vào trang Web cá độ bóng đá trên mạng. Nếu A dùng tài khoản này để cá độ bóng đá với số tiền trên 5 triệu đồng hoặc tổng số tiền thắng trên 5 triệu đồng thì A sẽ phạm tội đánh bạc.

Nhưng cũng sử dụng số tài khoản trên, A lại đi nhận cá cược của nhiều người khác rồi cá cược lại với chủ tài khoản trên mạng, nhằm mục đích ăn tiền hoa hồng chênh lệch và đồng thời sử dụng số tài khoản để cá cược bóng đá với tổng số tiền hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng thì A không những phạm tội “Đánh bạc” mà còn phạm thêm tội “Tổ chức đánh bạc”.  

Trên đây là những phân tích về hành vi cá độ bóng đá qua mạng để bạn đọc được biết và phòng tránh, không bị vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật và đi qua mùa World Cup 2022 mà không để lại điều hối tiếc.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com         Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 1

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon