Lúc cuộc sống hôn nhân đến mức trầm trọng thì các bên tìm cách giải thoát cho nhau bằng cách yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn. Các bên có quyền thỏa thuận với nhau việc nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản và trả nợ chung, nếu vợ chồng không thỏa thuận được với nhau về việc mỗi bên được bao nhiêu? giao tài sản cho ai quản lý thì Tòa án sẽ giải quyết giao tài sản cho một bên và bên kia sẽ nhận tiền. Vậy ai là người sẽ được nhận tài sản khi ly hôn.
Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN sẽ phân tích những quy định pháp luật về việc chia tài sản khi ly hôn.
1. Tôn trọng sự thỏa thuận vợ chồng
Đây là nguyên tắc đầu tiên, bởi lẽ sự thỏa thuận giữa các đương sự là nguyên tắc xuyên suốt quá trình giải quyết các vụ án dân sự nói chung và vụ án Hôn nhân và gia đình nói riêng. Các bên có thể thỏa thuận với nhau bất cứ lúc nào về việc chia tài sản nếu việc thỏa thuận không trái quy định pháp luật, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba, với Nhà nước.
Nếu trong quá trình chung sống vợ chồng tạo dựng được nhiều tài sản chung là bất động sản thì có thể thỏa thuận với nhau việc ai sẽ là người nắm giữ tài sản nào, người nhận được tài sản có giá trị lớn hơn sẽ thối lại số tiền chênh lệch. Trường hợp chỉ có một bất động sản duy nhất là nơi ở của cả 2 vợ chồng thì có thể thỏa thuận giao cho 1 bên, thông thường các bên sẽ thỏa thuận giao nhà và đất cho bên đang nuôi con hoặc có thể thỏa thuận tặng cho cho con. Do án phí chia tài sản sẽ tính theo tỷ lệ phần trăm trên số tài sản được chia nên để giảm bớt chi phí các cặp vợ chồng có thể lựa chọn tự thỏa thuận với nhau, nhờ Luật sư soạn thảo văn bản thỏa thuận chia tài sản vợ chồng, cách này vừa không phải đóng án phí, vừa không mất tiền thẩm định, định giá tài sản, giảm thời gian giải quyết một vụ án ly hôn vì trong vụ án ly hôn có chia tài sản thì quá trình chia tài sản mất rất nhiều thời gian cho việc thẩm định tài sản, định giá tài sản, xem xét tính pháp lý của tài sản…
Trường hợp vợ chồng mong muốn Tòa án công nhận việc vợ chồng thỏa thuận chia tài sản chung thì vẫn có quyền yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng. Nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì Tòa án sẽ căn cứ vào các nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản chung vợ chồng.
Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn;
Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
2. Cơ sở để chia tài sản chung vợ chồng và chia hiện vật
Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất, vợ chồng có quyền ngang nhau đối với tài sản chung, nên khi giải quyết việc chia tài sản thì về nguyên tắc là phải chia đôi. Tuy nhiên khi xem xét, chia tỷ lệ người được hưởng trong khối tài sản chung vợ chồng cũng phải xem xét các yếu tố sau:
– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Khi chia tài sản Tòa án phải xem xét thực tế hoàn cảnh gia đình để đưa ra quyết định bên nào được chia nhiều hơn, giao tài sản cho làm sao đảm bảo cuộc sống bình thường.
Ví dụ: Một bên vợ chồng đang bị bệnh hiểm nghèo, bị khiếm khuyết như bị mù, bị mất khả năng lao động, bị mất tay, chân hoặc đang bị tâm thần… thì Tòa án lúc chia tài sản thì sẽ xem xét chia tài sản cho họ nhiều hơn, ưu tiên giao tài sản cho họ để đảm bảo việc chữa bệnh, đảm bảo cuộc sống và đảm bảo điều kiện về kinh tế đối với người yếu thế.
– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
Tài sản chung của vợ chồng hình thành từ nhiều nguồn gốc như được cha mẹ tặng cho lúc mới kết hôn để sinh sống, để có vốn làm ăn kinh doanh, của hồi môn, do thu nhập lao động của vợ chồng tích cóp trong quá trình sinh sống, được để lại thừa kế, được tặng cho chung, trúng sổ số…Do đó, lúc chia tài sản Tòa án sẽ xem xét công sức đóng góp của mỗi người trong việc tạo nên tài sản, trong việc giữ gìn, duy trì và phát triển tài sản để đảm bảo sự công bằng.
Ví dụ: Năm 2010, Nguyễn Nam A và Lê Thị Nữ B kết hôn. Lúc đám cưới, gia đình nhà chồng cho 1 thửa đất để hai vợ chồng làm nhà ở, cho 01 kiot ở chợ để mở tiệm vàng, cho 100 lượng vàng để làm vốn làm ăn kinh doanh. Đến năm 2022, A và B ly hôn thì khi chia tài sản chung vợ chồng Tòa án sẽ xem xét nguồn gốc tài sản toàn bộ từ phía nhà chồng cho sẽ xem xét chia cho bên A nhiều hơn.
– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Sở dĩ phải đảm bảo lợi ích của bên đang kinh doanh, vì cơ sở kinh doanh sản xuất tạo ra nguồn thu cho gia đình, là nghề nghiệp của người đang kinh doanh. Tài sản vợ chồng – cơ sở sản xuất kinh doanh là tư liệu để tạo ra nguồn thu của vợ chồng, người đang kinh phải được ưu tiên giao tài sản để họ tiếp tục việc kinh doanh, duy trì nguồn thu nhập sau khi ly hôn; đảm bảo việc kinh doanh, sản xuất không bị gián đoạn việc này không những giúp ích cho đôi bên mà còn ra của cải cho xã hội, góp phần vào sự ổn định của nền kinh tế đất nước. Do vậy, khi phân chia tài sản, Tòa án phải xem xét ai là người đang quản lý, kinh doanh sản xuất thì tiếp tục giao cho người đó, người còn lại có thể sở hữu phần vốn góp nhỏ, hoặc những tài sản khác của vợ chồng hoặc nhận lại giá trị vốn sở hữu của cơ sở sản xuất kinh doanh.
Ví dụ: Nguyễn Nam A và Lê Thị Nữ B kết hôn và chung sống với nhau 15 năm tạo lập được những tài sản chung vợ chồng như sau: 1 thửa đất để hai vợ chồng làm nhà ở, 01 kiot ở chợ để mở tiệm vàng, 100 lượng vàng. Người chồng là thợ kim hoàng đang quản lý tiệm vàng. A và B ly hôn yêu cầu chia tài sản chung. Tòa án sẽ xem xét giao tiệm vàng và 100 lượng vàng cho A vì A đang kinh doanh tiệm vàng, A là thợ kim hoàn nên đây được xem là nghề nghiệp của A. B sẽ được xem xét giao cho căn nhà, số tài sản còn lại sẽ cân đối chia theo chênh lệch giá trị bất động sản.
– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng cũng là căn cứ để chia tài sản chung vợ chồng. Người nào vi phạm nghĩa vụ vợ chồng sẽ được chia tỷ lệ ít hơn vì lỗi dẫn đến vợ chồng ly hôn là do họ gây nên.
Ví dụ: Cao Văn Q và Lê Thị N là vợ chồng, có tài sản chung là 1 căn nhà cấp 3 ở Trung tâm thành phố, 1 thửa đất ở vùng nông thôn. Q thường xuyên rượu chè đánh đập N, N không chịu được nên làm đơn xin ly hôn. Trường hợp này Tòa án sẽ ưu tiên cho N được phần nhiều hơn và được ưu tiên lựa chọn giao tài sản hơn vì Q là người gây ra bạo lực gia đình, vi phạm nghĩa vụ vợ chồng, nguyên nhân dẫn đến hôn nhân tan vỡ.
– Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, trong trường hợp không chia được bằng hiện vật thì Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự nhận hiện vật và thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người chồng hoặc vợ nếu người vợ hoặc chồng có yêu cầu.
Ví dụ: Nguyễn Văn A và Lê Thị B là vợ chồng, chung sống với nhau 10 năm có 1 người còn là Q (2 tuổi), tài sản chung là 01 căn nhà cấp 4, 2 chiếc xe máy và 100 triệu đồng. Do Q mới được 2 tuổi nên Tòa án giao cho mẹ là B được chăm sóc nuôi dưỡng. Khi phân chia tài sản thì Tòa án sẽ xem xét giao căn nhà cấp 4 cho B vì đây là nơi ở duy nhất, mà B được giao nuôi con. A sẽ nhận những tài sản còn lại và giá trị chênh lệch nếu có.
– Giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc. Việc xác định giá trị tài sản chung vợ chồng theo giá thị trường tránh việc một bên lợi dụng việc bên được nhận tài sản sẽ được lợi, chênh lệch lớn hơn so với bên nhận tiền gây ra hiện tượng không công bằng khi chia tài sản chung vợ chồng.
Ví dụ: A và B có tài sản chung vợ chồng là 1.000 m2 đất nông nghiệp. Giá đất do nhà nước đối với thửa đất trên là 30.000 đ/m2, nếu tính theo giá nhà nước thì thửa đất trị giá 30 triệu đồng. Nhưng giá thị trường lại là 600.000 đ/m2. Như vậy, chênh lệch giữa giá nhà nước và giá thị trường lúc này đến 20 lần. Chính sự chênh lệch này sẽ gây bất lợi cho bên nhận giá trị. Do đó, lúc chia tài sản phải tính theo giá thị trường thửa đất có trị giá: 600 triệu để bên nhận đất thối lại 300 triệu đồng.
– Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó. Nếu tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung thì được xem là tài sản chung, khi chia tài sản sẽ được xem xét nguồn gốc tài sản để chia cho phù hợp, người nhập tài sản riêng vào tài sản chung sẽ được chia nhiều hơn và ưu tiên nhận tài sản hơn. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Ví dụ: Nguyễn Minh N khi chưa lấy vợ có 01 căn nhà và 1 chiếc xe mô tô. Nguyễn Minh N kết hôn với Lê Thị V, quá trình chung sống N và V mua được 01 thửa đất và N nhập hết tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng. N và V ly hôn, Tòa án sẽ xem xét N sẽ được chia tỷ lệ cao hơn và ưa tiên nhận căn nhà và xe mô tô, còn V sẽ nhận thửa đất. N sẽ thối lại cho V giá trị chênh lệch nếu có.
– Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 62 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Đối với chia tài sản chung vợ chồng là đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được Tòa án xem xét giao đất cho bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất sẽ tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng; nếu cả 2 vợ chồng đều là người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp thì chia cho cả 2 sử dụng.
Ví dụ: A và B có tài sản chung vợ chồng là 1.000 m2 đất nông nghiệp. A và B ly hôn, nếu người chồng là A đang canh tác trồng cây cà phê trên đất thì Tòa án nên giao đất cho người chồng, người vợ sẽ được nhận lại giá trị. Nếu cả 2 vợ chồng đều trồng cà phê thì chia đôi thửa đất mỗi người 500 m2.
– Trường hợp, giữa 2 vợ chồng chỉ có 1 tài sản chung vợ chồng là 1 bất động sản duy nhất mà cả 2 đều không có nơi nào khác để sinh sống, cũng không có tiền để trả tiền chênh lệch cho bên còn lại thì Tòa án cũng có thể xem xét trong trường hợp thửa đất đó đủ điều kiện để tách thửa thì có thể chia bằng hiện vật cho cả 2 vợ chồng và tiến hành đo vẽ, chia lại đảm bảo cho cả 2 bên đều đủ diện tích sinh hoạt bình thường. Chứ không nhất thiết phải giao nhà cho 1 bên và buộc họ phải thối lại giá trị cho bên kia.
Khi vợ chồng ly hôn, việc chia tài sản chung vợ chồng là tranh chấp phức tạp và gay gắt nhất nên việc Tòa án quyết định giao tài sản cho bên nào là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, pháp luật về Hôn nhân và gia đình đã đặt ra những quy tắc nhất định về việc chia tài sản và giao hiện vật nhằm đảm bảo cuộc sống của đôi bên được duy trì và ổn định sau ly hôn, không để lại hệ lụy cho xã hội, bảo vệ tối đa quyền lợi của trẻ em, người chưa thành niên và người yếu thế.
Trên đây là một số ý kiến của Công ty Luật TNHH HT Legal VN liên quan đến vấn đề Chia tài sản khi ly hôn – Làm thế nào để được giao tài sản. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý có liên quan, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040