THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI (LUẬT SƯ UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

596 lượt xem
5
(3)

Quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trải qua các thời kỳ ngày càng bổ sung, mở rộng, quy định cụ thể hơn, tiến bộ hơn phù hợp với nhu cầu xã hội, điều ước Quốc tế, pháp luật chuyên ngành và tôn trọng hơn quyền tự định đoạt của các đương sự tham gia, phù hợp với nhu cầu hội nhập và phát triển kinh tế xã hội và toàn cầu hóa.    

Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN sẽ phân tích những quy định pháp luật về thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

1. Vụ việc dân sự nào được xem là vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài:

Theo khoản 2 Điều 464 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

“a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài.

Đây là tiêu chí quốc tịch của chủ thể tham gia quan hệ dân sự, chỉ cần một bên tham gia là công dân nước ngoài hoặc cơ quan, tổ chức nước ngoài tham gia giao dịch dân sự cũng được xem là vụ việc có yếu tố nước ngoài, đây là quy định có tính mở rộng cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể bao gồm người có một quốc tịch nước ngoài, người có nhiều quốc tịch nước ngoài hoặc người không có quốc tịch. Pháp luật Việt Nam sẽ đối xử với họ về cơ bản là như nhau, đều là người nước ngoài.

b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

Đây là tiêu chí Quốc tịch và nơi xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ dân sự. Nghĩa là cả 2 bên đương sự đều có quốc tịch Việt Nam nhưng xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ dân sự mặc dù xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam vẫn được xem là giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài.

Ví dụ: Công ty A và Công ty B đều là Doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa ở nước ngoài, mặc dù các bên ký kết hoàn toàn là pháp nhân Việt Nam việc ký kết hợp đồng có yếu tố nước ngoài nên được xem là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Và tiêu chí cuối cùng là Quốc tịch và đối tượng của quan hệ dân sự, chữ “đối tượng” ở đây được hiểu không chỉ là vật (tài sản) tranh chấp đang ở ở nước ngoài và công việc được thực hiện ở nước ngoài. Công việc ở đây là việc phải thực hiện hoặc không phải thực hiện một công việc nào đó ở nước ngoài.

Ví dụ: Cha mẹ là người Việt Nam nhưng sinh sống và định cư ở Hoa Kỳ, giờ muốn thay đổi người nuôi con, con lại ở Việt Nam thì “đối tượng” ở đây là quyền nuôi con chứ không phải là tiền hay tài sản.

2. Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam khi giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Muốn xác định, Tòa án Việt Nam hay Tòa án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết một vụ việc có yếu tố nước ngoài nào đó hay không? cần phải tìm hiểu về Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam và Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam để có cơ sở thụ lý hoặc không thụ lý vụ việc.

2.1. Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam gồm những vụ việc nào:

Các vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam là những vụ việc chỉ có Tòa án Việt Nam được giải quyết các vụ việc đó mà thôi.

Tại Điều 470 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam gồm:

– Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;

– Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam;

– Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.

Và những việc dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:

– Các yêu cầu không có tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự có các dấu hiệu kể trên.

– Yêu cầu xác định một sự kiện pháp lý xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam;

– Tuyên bố công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú tại Việt Nam bị mất tích, đã chết nếu việc tuyên bố đó có liên quan đến việc xác lập quyền, nghĩa vụ của họ trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;

– Tuyên bố người nước ngoài cư trú tại Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự nếu việc tuyên bố đó có liên quan đến việc xác lập quyền, nghĩa vụ của họ trên lãnh thổ Việt Nam;

– Công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam.

2.2. Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 469 của Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:

– Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam.

– Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam. Quy định trên không đòi hỏi cơ quan, tổ chức phải có “trụ sở chính” ở Việt Nam. Đối với Văn phòng đại diện và chi nhánh ở Việt Nam thì Pháp luật Việt Nam đã quy định Cơ quan, tổ chức nước ngoài phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở Việt Nam nên chỉ cần Chi nhánh, văn phòng đại diện đặt ở Việt Nam là Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết.

– Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;

– Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;

– Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;

– Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.

Đối với các vụ án thuộc thẩm quyền chung thì các đương sự có quyền được thỏa thuận lựa chọn Tòa án nước ngoài hoặc Trọng tài nước ngoài. Trong trường hợp đã lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài giải quyết vụ việc thì thẩm quyền giải quyết sẽ không còn thuộc về Tòa án Việt Nam.

3. Những vụ việc có yếu tố nước ngoài mà Tòa án Việt Nam phải từ chối thụ lý, hoặc đình chỉ nếu đã thụ lý:

Theo quy định tại Điều 472 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Các đương sự được thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp và đã lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài giải quyết vụ việc đó.

Tuy nhiên, các bên thay đổi thỏa thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam hoặc thỏa thuận lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài bị vô hiệu hoặc không thể thực hiện được, hoặc Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài từ chối thụ lý đơn thì Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết;

– Không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam và thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án nước ngoài có liên quan;

– Không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam và đã được Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài thụ lý giải quyết;

– Đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của Trọng tài.

Lưu ý: Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài không được Tòa án Việt Nam công nhận thì Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó.

Trường hợp bị đơn được hưởng quyền miễn trừ tư pháp cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam.

Tại Việt Nam, thẩm quyền giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì những tranh chấp, yêu cầu “có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài” không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện nên những vụ án hoặc việc dân sự có yếu tố nước ngoài đa phần sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh ngoại trừ vụ việc yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện.

Trên đây là một số ý kiến của Công ty Luật HT Legal VN liên quan đến vấn đề Thẩm quyền của Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý có liên quan, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com          Hotline: 096 161 4040 – 09 4517 4040

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 3

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon