CHO VAY LÃI NẶNG VÀ XỬ LÝ TRƯỜNG HỢP BỊ XÃ HỘI ĐEN ĐÒI NỢ (LUẬT SƯ UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)

204 lượt xem
5
(1)

Trong thời đại công nghệ số, người dân có rất nhiều nguồn để vay mượn tài sản. Không còn giới hạn trong mối quan hệ thân thiết trong gia đình và làng xóm, ngân hàng mà nguồn cho vay có thể dễ dàng bắt gặp trên các tờ rơi quảng cáo, ứng dụng trên điện thoại, trang web điện tử với nhiều thông tin hấp dẫn như: vay không thế chấp, giải ngân ngay, không giới hạn số tiền. Tuy nhiên, đây cũng là cái bẫy vật chất vô hình khiến nhiều người dân lao đao. Số tiền vay mượn không lớn nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, nhiều người phải bỏ xứ trốn nợ khỏi việc đòi nợ bởi xã hội đen.

Từ thực tiễn, HT Legal VN thấy rằng đa phần các chủ nợ đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để cho vay lãi nặng, áp “luật rừng”, thuê xã hội đen đòi nợ. Công ty luật khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật dân sự lẫn hình sự. Người dân cần trang bị kiến thức cần thiết trước khi bước vào loại giao dịch dân sự đầy rủi ro này.

Do đó, chúng tôi xin cung cấp bài viết dưới đây để nhằm cung cấp và làm rõ cho Quý khách hàng những thông tin pháp luật xác đáng để Quý khách chủ động khi xác lập và thực hiện giao dịch cho vay.

1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật Dân sự 2015;

– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017;

– Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

2. Nội dung:

a. Phân biệt chủ nợ:

– Đối với các chủ nợ là tổ chức tín dụng, bao gồm: ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân, giao dịch cho vay (kể cả lãi suất cho vay) với các chủ nợ này do pháp luật các tổ chức tín dụng quy định.

Bài viết không đề cập đến giao dịch cho vay với tổ chức tín dụng.

– Đối với các chủ nợ là cá nhân hoặc doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng, giao dịch cho vay với các chủ nợ này là giao dịch dân sự, do pháp luật dân sự quy định, thuộc phạm vi bài viết này.

b. Nhận diện cho vay lãi nặng:

Khoản 1 điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các bên được quyền thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Khoản 1 điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: “1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự”. Do đó, việc cho vay lãi nặng được hiểu là áp dụng mức lãi suất cho vay từ 100%/ năm (tương đương 8.4%/ tháng, 0.3%/ ngày) trở lên.

c. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng:

(i). Theo điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng như sau:

Hành vi Hình phạt
Thực hiện hành vi cho vay lãi nặng thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm Bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Thực hiện hành vi cho vay lãi nặng thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên Bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
Có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

(ii) Cách xác định số tiền thu lợi bất chính để truy cứu trách nhiệm hình sự:

Điều 6 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP quy định như sau:

STT Thời điểm phát hiện hành vi Cách xác định
01 Giao dịch cho vay đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận giữa các bên Số tiền thu lợi bất chính = (Tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay) – (Số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20% năm trong cả kỳ hạn vay)
02 – Theo thỏa thuận giữa các bên, giao dịch cho vay chưa hết thời hạn vay mà bị phát hiện

– Bên vay chưa trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác

Số tiền thu lợi bất chính = (Tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay) – (Số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20% năm tính đến thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện và ngăn chặn hành vi cho vay lãi nặng)
03 – Theo thỏa thuận giữa các bên, giao dịch cho vay chưa hết thời hạn vay mà bị phát hiện

– Bên vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu trái pháp luật khác

Số tiền thu lợi bất chính = (Tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay thực tế đã trả cho người cho vay) – (Số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20% năm)

Ví dụ: Anh A cho anh B vay số tiền 500.000.000 đồng với lãi suất 30%/tháng trong thời gian 2 tháng. Trường hợp cho vay với lãi suất 30%/tháng đã có dấu hiệu phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và A đã thu lợi bất chính từ việc cho anh B vay là (500.000.000 x 2 x 30%) – ( 500.000.000 x 1,67% x 2) = 283.000.000 đồng.

(iii) Truy cứu trách nhiệm trong trường hợp sử dụng xã hội đen đòi nợ:

Theo khoản 4 điều 7 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP: “Trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,…) thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.”. Cụ thể:

– Nếu gây rối trật tự công nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh xã hội hoặc đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này mà chưa được xóa án tích, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù đến 07 năm.

– Nếu dọa sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần bằng các thủ đoạn khác để buộc bên vay phải giao tài sản để trừ nợ, người thực hiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 với mức phạt tù lên đến 20 năm.

– Nếu trực tiếp dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để ép buộc bên vay giao tài sản, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cướp tài sản” theo Điều 168 Bộ luật hình sự với mức phạt tù lên đến 20 năm hoặc thậm chí là tù chung thân.

– Căn cứ Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, không chỉ các đối tượng xã hội đen trực tiếp thực hiện hành vi đòi nợ phạm tội mà người đi thuê (ví dụ: chủ nợ) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm và chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi theo điều 58 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Nếu Quý khách hàng không vay tài sản từ ngân hàng, Công ty Luật HT Legal VN khuyến nghị nên vô cùng thận trọng và cảnh giác khi xác lập và thực hiện giao dịch vay thực tế. Trường hợp, bị các đối tượng đòi nợ thuê dùng nhiều thủ đoạn trái pháp luật để “Siết nợ” thì có thể liên hệ những người có hiểu biết pháp luật tư vấn hỗ trợ.

Quý khách hàng cần nắm chắc những thông tin pháp lý chúng tôi trình bày nêu trên để đề phòng và tự bảo vệ bản thân nếu phát sinh tranh chấp trong các giao dịch vay này.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN tự hào là Công ty Luật chuyên nghiệp trong hệ thống tư vấn, cử luật sư bảo vệ thân chủ trong các vụ án hình sự. Nếu có nhu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com          Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 1

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon