Những năm gần đây, hành vi xâm phạm bản quyền phim, đặc biệt là phim nước ngoài diễn ra rất mạnh mẽ. Thông thường, các trang web sẽ đăng tải phim điện ảnh nước ngoài sau khi đã kết thúc kỳ công chiếu ngoài rạp hoặc trình chiếu cùng tiến độ cập nhật của nhà phát hành đối với phim truyền hình. Điều này khiến cho người xem không còn muốn đến rạp, website được công chiếu chính thức nên lợi nhuận không được đổ về cho nhà sản xuất mà đổ về các trang web. Đây là thiệt hại tài chính cực kỳ nghiêm trọng.
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017;
– Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 và 2022;
– Luật Điện ảnh 2022;
– Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở Hữu Trí Tuệ Năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
2. Nội dung:
Pháp luật Việt Nam không quy định thế nào là phim nước ngoài, tuy nhiên, theo khoản 12 điều 3 Luật Điện ảnh hiện hành, phim Việt Nam là “phim đã được phép phổ biến tại Việt Nam theo quy định của Luật này và có ít nhất hai trong ba yếu tố sau: đạo diễn có quốc tịch Việt Nam, có cơ sở điện ảnh Việt Nam tham gia sản xuất phim, có chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam.” Do đó, phim nước ngoài được hiểu là không đáp ứng ba yếu tố nêu trên.
Theo khoản 1 điều 12 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, điểm e khoản 1 điều 14 Luật Sở Hữu Trí Tuệ, khoản 2 điều 3 Luật Điện ảnh hiện hành, phim (kể cả phim truyền hình hay điện ảnh) là đối tượng được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ dưới dạng quyền tác giả.
Theo khoản 1 điều 6 Luật Sở Hữu Trí Tuệ hiện hành: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.” Điều này được hiểu là việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với một tác phẩm điện ảnh không phải là một thủ tục bắt buộc. Ngay sau khi hoàn thành tác phẩm và mặc dù chưa tiến hành thủ tục đăng ký bản quyền, quyền tác giả vẫn sẽ phát sinh từ thời điểm đó. Tuy nhiên, để được bảo vệ tốt hơn quyền tác giả thì HT Legal VN có lời khuyên đối với Nhà sản xuất phim nên thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả.
Đối với việc bảo hộ quyền tác giả của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tại Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ quy định: Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả) gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2022 thì Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được quy định như sau:
a) Biên kịch, đạo diễn được hưởng quyền: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
b) Quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được quyền: Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
c) Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản; có nghĩa vụ trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) theo hợp đồng với những người quy định tại điểm a và điểm b;
d) Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh có thể thỏa thuận với những người quy định tại điểm a khoản này về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm;
đ) Trường hợp kịch bản, tác phẩm âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của kịch bản, tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.
Theo khoản 1 điều 198 Luật Sở Hữu Trí Tuệ hiện hành, tác giả, nhà sản xuất, nhà phát hành có thể áp dụng những cách như sau để bảo vệ bản quyền phim nước ngoài:
a. Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
b. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
c. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
d. Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Theo khoản 1 điều 199 Luật Sở Hữu Trí Tuệ hiện hành, tuỳ theo tính chất và mức độ, hành vi xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Trong đó, biện pháp hình sự là nặng nhất, cụ thể “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” quy định tại điều 225 Bộ luật Hình sự hiện hành:
“1.Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.”
Trên thực tế, cách thức xử lý hành vi vi phạm bản quyền phim nước ngoài nhanh nhất là nhà sản xuất, nhà phát hành sử dụng biện pháp kỹ thuật để báo cáo, yêu cầu các trang mạng xã hội xóa bỏ. Tuy nhiên, không phải cách này lúc nào cũng sẽ hiệu quả vì người chiếu lậu có thể dùng nhiều tài khoản, mất tài khoản này họ có thể dùng tài khoản khác để đăng tải một nội dung. Việc yêu cầu cơ quan nhà nước tham gia tuy sẽ triệt để hơn nhưng diễn ra lâu hơn. Trong quá trình chờ được giải quyết thì bộ phim vẫn bị chiếu lậu và thu lợi về trang web chứ chưa thể ngay lập tức phải là tác giả, nhà phát hành.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN tự hào là Công ty Luật chuyên nghiệp và uy tín trong lĩnh vực dân sự, hành chính, hình sự. Chúng tôi tự tin và hoàn toàn có thể tư vấn, đại diện pháp lý cho Quý khách hàng để xử lý tranh chấp trong các lĩnh vực này. Nếu có nhu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040