Các vụ việc về hôn nhân và gia đình ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp, gay gắt. Trong đó, tính chất phức tạp chủ yếu liên quan đến các bất cập, khó khăn, tranh chấp về tài sản chung, riêng khi ly hôn của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên việc chia tài sản ly hôn tại Tòa án còn gặp một số vướng mắc nhất định. Các yếu tố được xét đến khi phân chia tài sản chung của vợ chồng được quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, về cơ bản, bảo đảm được quyền lợi của các bên, thể hiện tính nhân văn của pháp luật, tuy nhiên, việc vận dụng các quy định này trên thực tế còn gặp những bất cập, vướng mắc, cần được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn. Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ phân tích những quy định pháp luật về những bất cập về chia tài sản chung khi ly hôn của vợ chồng.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ:
– Luật hôn nhân và gia đình 2014;
– Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao: Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP).
II. NỘI DUNG:
1. Tài sản chung của vợ chồng là gì ?
Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng được quy định như sau:
– Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
– Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
– Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
– Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
2. Chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân và khi ly hôn .
Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được quy định cụ thể như sau:
– Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
– Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
– Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
Điều luật này được hiểu nếu bên nào có lỗi thì khi ly hôn tài sản được chia ít hơn nhưng thực tế, quy định này khó áp dụng. Khó khăn lớn nhất trong phân chia tài sản chung khi ly hôn là việc vận dụng các nguyên tắc chia tài sản chung sao cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể, đảm bảo được quyền, lợi ích của vợ chồng và những người có liên quan.
Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn:
Theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Thông tư liên tịch số 01). Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: “Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Có thể nói các quy định hiện hành của pháp luật về Hôn nhân và gia đình đã khá hoàn thiện, nhưng vẫn cần phải tiếp tục được nghiên cứu, xem xét sửa đổi bảo đảm phù hợp hơn với thực tiễn xét xử. Qua đó, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hôn nhân, gia đình nói chung và các quy định về phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn nói riêng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác triển khai, thực thi pháp luật về hôn nhân và gia đình trên thực tế.
Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về CHIA TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG KHI LY HÔN. Để được tư vấn về vấn đề này hoặc những vấn đề liên quan, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040