Cách thức bố trí phòng xét xử tuy chỉ là hình thức nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể hiện tính dân chủ, sự bình đẳng giữa các bên, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Trong bài viết này Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ chia sẻ cho mọi người các kiến thức về ý nghĩa vị trí ngồi trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự.
Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
– Thông tư 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án được Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 2807/2017.
Nội dung
Theo quy định tại Điều 257 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, đã lựa chọn phương án như sau:
“1. Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và Luật sư, người bào chữa khác;
2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết Điều này”.
Với nội dung điều luật này, các nhà lập pháp đã tìm ra được một giải pháp hết sức thực tế và chuẩn mực, theo đó giao việc thiết kế phòng xử án và thiết lập vị trí chỗ ngồi hoàn toàn thuộc thẩm quyền hướng dẫn và quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trên nguyên tắc phải bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và người bào chữa.
Xuất phát từ nguyên tắc phán quyết của Hội đồng xét xử nhân danh Nhà nước và phải căn cứ từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét toàn diện, đầy đủ, khách quan và thẩm tra công khai các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa.
_ Do Chủ tọa phiên tòa là người điều khiển phiên tòa, Hội đồng xét xử với vị trí là trung tâm của hoạt động cải cách tư pháp nên Hội đồng xét xử phải là vị trí trọng tâm. Vị trí của Hội đồng xét xử phải bảo đảm có thể quan sát mọi chi tiết, diễn biến phiên tòa, lắng nghe đầy đủ các câu hỏi, trả lời và nội dung trình bày của những người tham gia tố tụng, quan điểm tranh tụng của bên buộc tội và gỡ tội để từ đó xác định sự thật khách quan để đưa ra phán quyết được chính xác, có căn cứ và đúng pháp luật. Đồng thời, cần tạo ra sự uy nghiêm, sự khác biệt và vị thế của Hội đồng xét xử về mặt hình thức, nên vị trí đặt bàn của Hội đồng xét xử phải cao hơn các vị trí bàn của các chủ thể khác, ở chính giữa căn phòng và sau lưng phía trên là hình tượng Quốc huy. Vị trí chỗ ngồi của các thành phần khác tham gia phiên tòa cùng mặt bằng, sàn thấp hơn sàn vị trí Hội đồng xét xử.
_ Với chức năng trợ giúp theo yêu cầu của hoạt động xét xử, ghi chép trung thực mọi chi tiết trong diễn biến phiên tòa, đặc biệt là ghi đầy đủ, trung thực các câu hỏi và trả lời trong phần xét hỏi, tiếp nhận để thực hiện các yêu cầu cụ thể của Hội đồng xét xử, vị trí ngồi của Thư ký nên kê chính giữa phía trước bàn của Hội đồng xét xử, mặt hướng về hướng của bị cáo và các thành phần tham gia tố’ tụng khác.
_ Theo yêu cầu của cải cách tư pháp và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, vị trí ngồi của Kiểm sát viên và người bào chữa cần thể hiện sự bình đẳng, bàn ngồi đối diện nhau theo hướng: Khu vực phía trước, bên phải Hội đồng xét xử là chỗ ngồi của Kiểm sát viên thực hành quyền công tô’; khu vực phía trước, bên trái Hội đồng xét xử là chỗ ngồi của người bào chữa (cần đủ diện tích để chủ động đáp ứng chỗ ngồi theo số lượng Luật sư tham gia trong từng phiên tòa cụ thể).
_ Về chỗ ngồi của Giám định viên, Người phiên dịch dự kiến được bố trí ở bục liền kề gần chỗ ngồi của Kiểm sát viên.
_ Vị trí khai báo của bị cáo, cần thay vành móng ngựa bằng một chiếc bàn dài ở chính giữa, mặt đối diện với bàn của Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án để bị cáo khi trình bày có thể được sử dụng tài liệu, chứng cứ chứng minh lời khai của mình. Trong trường hợp một số vụ án các bị cáo phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cần bố trí lực lượng Cảnh sát tư pháp hỗ trợ ngay phía sau vị trí khai báo của bị cáo.
_ Về bàn khai báo của những người tham gia tố tụng khác, vị trí đặt ở ngay liền kề với bàn của người bào chữa.
_ Để bảo đảm trật tự phiên tòa cũng như bảo vệ an toàn trong quá trình xét xử, đồng thời là hàng rào ngăn cách bị cáo với những người tham gia tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, để hạn chế, loại trừ xung đột tại phiên tòa có thể xảy ra, Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp ngồi xen kẽ giữa các bị cáo và những dãy ghế phía sau bàn khai báo của bị cáo.
_ Dưới cùng là dãy ghế dành cho những người tham dự phiên tòa hoặc thân nhân của bị cáo, các chủ thể tham gia tố tụng khác.
Cách thức bố trí phòng xét xử tuy chỉ là hình thức nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể hiện tính dân chủ, sự bình đẳng giữa các bên, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa; đồng thời, cũng thể hiện được vị trí trung tâm của Hội đồng xét xử – nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp.
Theo quy định của Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, việc đổi mới vị trí ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư chính là sự thể hiện của tinh thần thay đổi từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng. Đây cũng chính là việc thực hiện chủ trương cải cách tư pháp là kết hợp mô hình tố tụng xét hỏi và mô hình tố tụng tranh tụng mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị đã đề ra: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”
Mặc dù đã có những thay đổi tích cực về mặt hình thức trong hoạt động tư pháp nhưng cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng địa vị pháp lý của người bào chữa có được nâng cao hay không, hoạt động xét xử có được công khai, bình đẳng hay không, có giảm bớt được oan sai hay không… còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, ngoài việc thay đổi về hình thức, mô hình xét xử, cần triển khai thực hiện các quy định khác của Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 như các quyền của bị can, bị cáo, quyền của người bào chữa… trong việc thu thập,cung cấp chứng cứ, quyền tranh tụng bình đẳng, nguyên tắc suy đoán vô tội…Có triển khai đầy đủ, đồng bộ tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan thì mới thay đổi được mô hình tố tụng và hiệu quả trong tố tụng. Còn nếu chỉ thực hiện triển khai những quy định về hình thức mà không làm tốt các quy định về mặt nội dung, không đảm bảo được quyền bào chữa, quyền con người, không bình đẳng trong địa vị tham gia tố tụng của các chủ thể… thì việc thay đổi vị trí ngồi trong phiên tòa cũng không có ý nghĩa gì.
Trên đây là những nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về ý nghĩa vị trí ngồi trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22).
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040