HÀNH VI NÚP BÓNG CÔNG TY LUẬT ĐỂ ĐÒI NỢ THUÊ? (LUẬT SƯ TRANH TỤNG TẠI TP HỒ CHÍ MINH)

94 lượt xem
5
(6)

Thời gian qua, hoạt động đòi nợ thuê thường “núp bóng” dưới danh nghĩa Công ty Luật, ký kết với các Ngân hàng, công ty tài chính hoặc tổ chức, cá nhân khác một số lượng lớn hợp đồng mang danh “Hợp đồng trợ giúp pháp lý” với mức “hoa hồng” cho mỗi hợp đồng đòi nợ thành công có thể lên đến 30%-50% khoản tiền đòi được.

Vậy nên họ sẵn sàng sử dụng những thủ đoạn trái pháp luật như khủng bố các cuộc gọi, tin nhắn, đến tận nơi ở, công ty người vay tiền nhằm đe doạ, gây áp lực về mặt tinh thần cho các nạn nhân và người thân của họ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, thậm chí gây mất trật tự an toàn xã hội.

Bài viết sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia một số vấn đề pháp lý để bên bị đòi nợ trái pháp luật nắm rõ quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của mình và người thân như sau:

1. Đối với hành vi lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật để kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trá hình nêu trên, Pháp luật quy định như thế nào?

Khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh nên không tổ chức, cá nhân nào được phép hoạt động ngành nghề này.

Theo Điều 4 Luật Luật sư hiện hành, dịch vụ pháp lý của Luật sư gồm: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác. Vậy, Công ty Luật được quyền thực hiện tư vấn pháp luật và bảo vệ khách hàng trong vụ việc yêu cầu thanh toán nợ, “đòi nợ”, tham gia tranh tụng trong vụ án đòi tiền, thu hồi nợ phù hợp quy định pháp luật và nghề nghiệp Luật sư.

Chính vì ngành nghề dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm nên nhiều trường hợp vì muốn thu hồi nhanh khoản nợ thì nhiều đối tượng sẵn sàng thực hiện việc “lách luật”, thủ đoạn “núp bóng công ty luật” là giao kết những hợp đồng đòi nợ thuê dưới danh nghĩa “hợp đồng trợ giúp pháp lý” với Ngân hàng, các tổ chức tài chính hoặc chuyên đi mua nợ xấu của những tổ chức này… Thậm chí có những đối tượng không đủ điều kiện theo quy định pháp luật để thành lập công ty luật, họ thuê người khác đủ điều kiện đứng tên làm đại diện pháp luật đăng ký thành lập công ty.

Họ sử dụng danh nghĩa công ty luật vì “Luật sư” là một thuật ngữ thể hiện sự cao quý, am hiểu pháp luật sâu sắc mà bên vay nợ lại thường là bên yếu thế, tâm lý mình đang là bên vay tiền mà không trả và không có kiến thức về pháp luật nên dễ dàng bị đe doạ, cưỡng ép, không dám phản kháng khi đụng chạm đến pháp luật.

Rõ ràng, Luật Luật sư nói riêng, quy định pháp luật nói chung cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê và cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa Công ty luật hoặc Luật sư để thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê một cách trái pháp luật. Luật sư và Công ty luật được cung cấp dịch vụ pháp lý, bao gồm hoạt động tư vấn và đại diện cho khách hàng xử lý một khoản nợ, đòi nợ nhưng phải tuân thủ Luật Luật sư và quy định pháp luật có liên quan, vậy nên mọi hành vi lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật để hợp pháp hóa dịch vụ đòi nợ thuê, lấy danh nghĩa “Hợp đồng trợ giúp pháp lý” nhưng thực chất lại là những giao dịch giả tạo, vi phạm điều cấm pháp luật đều sẽ bị phát hiện và xử lý thích đáng theo đúng quy định pháp luật.

2. Các tổ chức tài chính, ngân hàng có phải chịu trách nhiệm khi chuyển giao quyền đòi nợ cho tổ chức, cá nhân khác?

Căn cứ Thông tư 06/2020/TT-BTP, Quyền đòi nợ là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng, quyền tài sản lại là một loại tài sản theo quy định Bộ Luật dân sự 2015 (BLDS 2015) và có thể được chuyển giao cho người khác. Việc chuyển giao quyền đòi nợ (quyền yêu cầu) này không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ mà chỉ cần thông báo cho họ biết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 2 Điều 365 BLDS 2015). Ngoài ra, Quyền đòi nợ còn được xác định là đối tượng mua bán trong hợp đồng (Điều 450 BLDS 2015).

Đáng lưu ý là Điều 367 BLDS 2015 quy định về việc bên chuyển giao nghĩa vụ không chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ sau khi chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Từ các quy định pháp luật trên, vô tình tạo cơ sở pháp lý cho việc các Ngân hàng, tổ chức tài chính quyền được chuyển giao quyền đòi nợ cho bên thứ ba mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nghĩa là họ “bán” nợ là xong, coi như không liên quan.

Lưu ý khi bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu hoặc người thế quyền không chứng minh được tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ được quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền (Điều 369 BLDS 2015). Bên bị đe doạ, cưỡng ép có thể căn cứ vào quy định này để từ chối thực hiện nghĩa vụ nếu bên cho vay vi phạm nghĩa vụ thông báo việc chuyển giao quyền yêu cầu.

Nói chung, mọi tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, khi ký Hợp đồng, giao dịch dân sự thì quyền, nghĩa vụ là bình đẳng với nhau. Do vậy, theo chúng tôi, pháp luật cấm dịch vụ đòi nợ thuê cũng là một sự tiến bộ nhằm tạo ra sự bình đẳng trong mọi quan hệ pháp luật, bảo vệ nhiều kẻ yếu thế, chỉ có Tòa án hoặc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới có quyền giải quyết, xét xử và phán quyết theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, pháp luật về tố tụng cũng đang ngày một hoàn thiện, cải cách về thủ tục, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để giải quyết các sự vụ một cách nhanh chóng, đúng pháp luật và đáp ứng các yêu cầu cấp thiết trong xã hội.

3. Các hình thức xử phạt khi thực hiện hành vi đòi nợ thuê:

Việc các tổ chức, cá nhân cố ý cung cấp dịch vụ đòi nợ là một hành vi trái pháp luật, ngoài ra hành vi “núp bóng” hoặc “mạo danh” Công ty Luật/Luật sư để cung cấp dịch vụ đòi nợ thuê dưới dạng “giao dịch cung cấp dịch vụ pháp lý giả tạo” nhằm để che đậy hành vi cố ý cung cấp dịch vụ đòi nợ thuê cũng sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ bị xử phạt như sau:

“1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”

Lưu ý đây là mức phạt đối với cá nhân, trường hợp là tổ chức vi phạm thì chịu gấp đôi so với cá nhân.

Ngoài ra, cá nhân đòi nợ thuê mà có những hành vi sai trái, đe doạ người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ Luật hình sự 2015 các tội như:

– Tội đe dọa giết người: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015).

– Tội xâm phạm chỗ ở của người khác: phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (Điều 158 BLHS 2015).

– Tội cưỡng đoạt tài sản: phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (Điều 170 BLHS 2015)

– Tội khủng bố: phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Điều 299 BLHS 2015)

– Và các tội phạm khác.

Bản thân Luật sư mà thực hiện hành các hành vi trên thì còn vi phạm thêm quy định tại Luật Luật sư, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, họ có thể phải chịu các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư hoặc nặng hơn là xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư và bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư.

Thượng tôn pháp luật là yêu cầu tuân thủ và cũng là quyền của mỗi người chúng ta khi đối diện với áp bức, bất công hoặc mọi hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Khi phát hiện các hành vi đòi nợ thuê trái pháp luật hoặc bị đe dọa, cưỡng bức thì chúng ta có quyền thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đến Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật. Hoặc cũng có thể liên hệ đến các Công ty Luật, Luật sư uy tín hiện nay như Công ty Luật TNHH HT Legal VN để được tư vấn và xử lý vấn đề pháp lý gặp phải.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN là Công ty Luật chuyên nghiệp và tuân thủ Luật Luật sư và quy định pháp luật, chuyên bảo vệ bên thế chấp, bên vay, chúng tôi cũng có thế mạnh trong các vụ việc tranh chấp về vay, mượn nợ, xử lý nợ cho tổ chức, cá nhân và tham gia tranh tụng tại Tòa án, xử lý tại giai đoạn thi hành án. Với năng lực, kinh nghiệm của Luật sư HT Legal VN, chúng tôi sẵn sàng cung cấp dịch vụ pháp lý như: Tư vấn các giải pháp pháp lý phù hợp quy định pháp luật, kịp thời, Luật sư tham gia tố tụng và Luật sư tham gia thi hành án nhằm bảo vệ tối đa quyền ,lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Trên đây là nội dung bài viết pháp lý về: Hành vi núp bóng Công ty luật để đòi nợ thuê? Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi sẽ hữu ích cho quý khách hàng và đối tác.

Luật sư điều hành – Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: luatsu@htlegalvn.com        Hotline:  0945174040– 0961614040

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 6

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon