XÁC ĐỊNH TỶ LỆ THƯƠNG TẬT TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ (CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

6 lượt xem
0
(0)

1. Việc xác định tỷ lệ % TTCT được tính theo phương pháp cộng như sau:
Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +…+ Tn; trong đó:
a) T1: Được xác định là tỷ lệ % TTCT của TTCT thứ nhất (nằm trong khung tỷ lệ các TTCT được quy định tại Thông tư này)…

XÁC ĐỊNH TỶ LỆ THƯƠNG TẬT TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

(CÔNG TY LUẬT UY TÍN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH, VIỆT NAM)

Xác định tỷ lệ thương tật có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tội danh, truy cứu trách nhiệm hình sự và quyết định khung hình phạt. Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ cung cấp cho các độc giả những thông tin cơ bản nhất về cách thức xác định tỷ lệ thương tật trong vụ án hình sự.

I. Cơ sở pháp lý tham khảo

– Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

– Thông tư 22/2019/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 28/8/2019 quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, pháp y tâm thần.

II. Nội dung

1. Nguyên tắc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể

Theo Điều 3 Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định nguyên tắc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể (TTCT):

1) Tổng tỷ lệ % TTCT của một người phải nhỏ hơn 100%.

2) Mỗi bộ phận cơ thể bị tổn thương chỉ được tính tỷ lệ % TTCT một lần. Trường hợp bộ phận này bị tổn thương nhưng gây biến chứng, di chứng sang bộ phận thứ hai đã được xác định thì tính thêm tỷ lệ % TTCT do biến chứng, di chứng tổn thương ở bộ phận thứ hai.

3) Nếu nhiều TTCT là triệu chứng thuộc một hội chứng hoặc thuộc một bệnh đã được ghi trong các Bảng tỷ lệ % TTCT thì tỷ lệ % TTCT được xác định theo hội chứng hoặc theo bệnh đó.

4) Khi tính tỷ lệ % TTCT chỉ lấy đến hai chữ số hàng thập phân, ở kết quả cuối cùng thì làm tròn để có tổng tỷ lệ % TTCT là số nguyên (nếu số hàng thập phân bằng hoặc lớn hơn 0,5 thì làm tròn số thành 01 đơn vị).

5) Khi tính tỷ lệ % TTCT của một bộ phận cơ thể có tính chất đối xứng, hiệp đồng chức năng mà một bên bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đã được xác định, thì tính cả tỷ lệ % TTCT đối với bộ phận bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đó.

Ví dụ: Một người đã bị cắt thận phải trước đó, nếu lần này bị chấn thương phải cắt thận trái thì tỷ lệ % TTCT được tính là mất cả hai thận.

6) Khi giám định, căn cứ tổn thương thực tế và mức độ ảnh hưởng của tổn thương đến cuộc sống, nghề nghiệp của người cần giám định, giám định viên đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT trong khung tỷ lệ tương ứng với Bảng tỷ lệ % TTCT.

7) Đối với các bộ phận cơ thể đã bị mất chức năng, nay bị tổn thương thì tỷ lệ % TTCT được tính bằng 30% tỷ lệ % TTCT của bộ phận đó.

8) Trường hợp trên cùng một người cần giám định mà vừa phải giám định pháp y lại vừa phải giám định pháp y tâm thần (theo quyết định trưng cầu/yêu cầu), thì tổ chức giám định thực hiện giám định sau tổng hợp (cộng) tỷ lệ % TTCT của người cần giám định theo phương pháp xác định tỷ lệ % TTCT quy định tại Điều 4 Thông tư này.

2. Phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể

Căn cứ Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể (TTCT):

1. Việc xác định tỷ lệ % TTCT được tính theo phương pháp cộng như sau:

Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +…+ Tn; trong đó:

a) T1: Được xác định là tỷ lệ % TTCT của TTCT thứ nhất (nằm trong khung tỷ lệ các TTCT được quy định tại Thông tư này).

b) T2: là tỷ lệ % của TTCT thứ hai: T2 = (100 – T1) x tỷ lệ % TTCT thứ 2/100;

c) T3: là tỷ lệ % của TTCT thứ ba: T3 = (100-T1-T2) x tỷ lệ % TTCT thứ 3/100;

d) Tn: là tỷ lệ % của TTCT thứ n: Tn – {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x tỷ lệ % TTCT thứ n/100.

đ) Tổng tỷ lệ % TTCT sau khi được làm tròn số là kết quả cuối cùng.

2. Ví dụ:

a) Một đối tượng có nhiều tổn thương:

Ông Nguyễn Văn A được xác định có 03 tổn thương:

– Cụt 1/3 giữa cánh tay phải, khung tỷ lệ % TTCT từ 61 – 65%;

– Mù mắt trái chưa khoét bỏ nhãn cầu, tỷ lệ % TTCT là 41 %;

– Nghe kém trung bình hai tai mức độ I, tỷ lệ % TTCT từ 21 – 25%.

Áp dụng phương pháp nêu trên, tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn A được tính như sau:

– T1 = 63% (tỷ lệ % TTCT quy định tại Thông tư này từ 61-65%, giám định viên có thể đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT là 61%, 62%, 63%, 64% hoặc 65%. Ví dụ trường hợp này giám định viên lấy tỷ lệ TTCT là 63%).

– T2 = (100 -63) x 41/100% = 15,17%.

– T3: Nghe kém trung bình hai tai mức độ 1, tỷ lệ % TTCT được quy định trong Thông tư này từ 21% – 25%. Giám định viên có thể đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT trong khoảng từ 21% đến 25%. Ví dụ trường hợp này giám định viên lấy tỷ lệ % TTCT là 22%, thì tỷ lệ % TTCT của ông A được tính là:

T3 = (100 – 63 – 15,17) x 22/100 % = 4,80%

Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn A là : 63% + 15,17 % + 4,80% = 82,97 %, làm tròn số là 83%.

Kết luận: Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn A là 83%.

3. Một người cần phải giám định tại hai tổ chức: (1) Giám định pháp y và (2) Giám định pháp y tâm thần:

Ông Nguyễn Văn B (ông B) đã được tổ chức giám định pháp y giám định với kết luận tổng tỷ lệ % TTCT là 45% (T1).

Sau đó ông B đến giám định tại tổ chức giám định pháp y tâm thần, tổ chức này kết luận tỷ lệ % TTCT là của ông B là 37%, tổ chức giám định pháp y tâm thần này tổng hợp tổng tỷ lệ % TTCT của ông B như sau:

T1 đã được xác định là 45 %; T2 được xác định như sau: T2 = (100 – 45) x 37/100 = 20,35 %.

Tổng tỷ lệ % TTCT của ông B là = (T1+T2).

Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn B là: 45 % + 20,35 % = 65,35 %.

Kết luận: Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn B là 65 %.

3. Tỷ lệ tổn thương cơ thể bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự hiện hành thì người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên nếu dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

  1. Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;

  2. Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

  3. Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

  4. Phạm tội 02 lần trở lên;

  5. Phạm tội đối với 02 người trở lên;

  6. Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

  7. Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;

  8. Có tổ chức;

  9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

  10. Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

  11. Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;

  12. Có tính chất côn đồ;

  13. Tái phạm nguy hiểm;

  14. Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Hay hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135 Bộ luật Hình sự) hoặc do vượt quá phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136 Bộ luật Hình sự) hoặc trong khi thi hành công vụ (Điều 137 Bộ luật Hình sự) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 31% trở lên.

Như vậy, hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định tương đối cụ thể về nguyên tắc cũng như phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể trong vụ án hình sự. Từ đó giúp quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự diễn ra suôn sẻ, thuận lợi hơn.

Trên đây là những chia sẻ từ Công ty Luật TNHH HT Legal VN xoay quanh vấn đề Tỷ lệ tổn thương cơ thể bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chúng ta cùng nhau tôn trọng cuộc sống, bảo vệ pháp luật để được pháp luật bảo vệ.

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com       Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon