Tư vấn tình huống “oan sai” trong thi hành án dân sự và hậu quả nếu có vi phạm? (LUẬT SƯ TRANH TỤNG TẠI TP HỒ CHÍ MINH)

3 lượt xem
0
(0)

Nội dung tình huống pháp lý:

Một doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực xây dựng (Công ty AD) thua kiện trong vụ án về: “tranh chấp hợp đồng xây dựng” (dù họ không giao dịch, không làm việc với Nguyên đơn, không phải bên thanh toán một phần tiền trước đó. Nguyên nhân bị kiện vì Nguyên đơn cho rằng Công ty AD là nhà thầu chính của dự án tại một tỉnh miền Tây) và giờ phải chịu thi hành bản án dân sự để trả khoản tiền bị xử oan.

Dưới áp lực của bên được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự địa phương dự kiến sẽ tiến hành “cưỡng chế khoản tiền” do bên thứ ba chưa trả (đã trả trước 80%). Nhưng vấn đề là khoản tiền chuẩn bị kê biên không nằm trong nội dung bản án, nghĩa là bản án không tuyên về nghĩa vụ xử lý khoản tiền này. Cụ thể, chấp hành viên dự tính yêu cầu Chủ đầu tư (cũng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án nhưng họ không có yêu cầu độc lập) phải chuyển khoản tiền đang giữ (phần tiền còn lại của dự án xây dựng chưa thanh toán cho Công ty AD) nhằm thi hành nghĩa vụ của Công ty AD.

Vậy hành động này có đúng không và phải xử lý thế nào?

Cơ sở pháp lý giải quyết cho tình huống này:

– Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014, 2022), gọi là Luật THADS;

– Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017.

Thực tiễn về hành vi vi phạm phổ biến trong thi hành án dân sự:

Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc “oan sai” trong thi hành án dân sự đã được phát hiện, nhiều vụ việc được cơ quan chức năng công bố công khai, thể hiện quyết tâm bảo vệ người dân, doanh nghiệp bị xâm hại quyền lợi. Một số hành vi vi phạm trong việc thi hành án dân sự có thể có như:

– Trường hợp kê biên tài sản ngoài phạm vi bản án:

Cưỡng chế kê biên nhà đất, tiền, tài sản khác không nằm trong nội dung bản án đã tuyên. Theo chúng tôi, nếu cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế thì với tình huống của Công ty AD sẽ tương tự, vì tài sản của Công ty AD là phần tiền còn lại của dự án xây dựng đang được chủ đầu tư tạm giữ theo hợp đồng, bản thân chủ đầu tư là người liên quan trong vụ án và không có yêu cầu độc lập, phía nguyên đơn cũng không yêu cầu nên bản án không tuyên nội dung này nên việc thi hành án tính cưỡng chế kê biên khoản tiền này là trái pháp luật.

– Trường hợp thi hành án nhầm đối tượng, tài sản:

Thi hành án đối với tài sản không thuộc sở hữu của người phải thi hành án, ví dụ kê biên nhầm tài sản của người cùng tên hoặc thân nhân. Sai phạm này xâm phạm quyền sở hữu của người không liên quan vụ án.

– Trường hợp thi hành vượt quá nội dung bản án:

Cưỡng chế quá phạm vi phán quyết, sai diện tích hoặc sai thời điểm so với bản án đã có hiệu lực. Chẳng hạn, tịch thu nhiều tài sản hơn mức phải thi hành, hoặc thi hành khi chưa đến hạn theo phán quyết.

– Trường hợp không tuân thủ trình tự pháp luật:

Không tống đạt đầy đủ quyết định thi hành án, cưỡng chế khi chưa đủ điều kiện pháp lý (chưa hết thời hạn tự nguyện thi hành, đang hoãn hoặc tạm đình chỉ). Những hành vi này vi phạm nghiêm trọng thủ tục thi hành án và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục.

Mọi chủ thể (tổ chức hay cá nhân) đều bình đẳng trước pháp luật, khi phát hiện mọi hành vi trái pháp luật thì đều được Nhà nước bảo vệ quyền lợi người bị hại, cơ qua nhà nước, đặc biệt là cơ quan thi hành án làm sai thì phải bồi thường, cán bộ sai phạm bị đình chỉ công việc và xử lý theo luật định. Thực tế, thậm chí một số trường hợp nghiêm trọng bị kháng nghị giám đốc thẩm để xét xử lại nhằm khôi phục công bằng, đã có nhiều trường hợp người dân và doanh nghiệp được bồi thường thiệt hại do tài sản bị kê biên, xử lý sai quy định, qua đó cho thấy pháp luật và Nhà nước xử lý rất nghiêm và tuyệt đối không dung túng sai phạm trong thi hành án.

Hướng giải quyết có thể thực hiện để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp:

Trong tình huống Công ty AD, trường cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế khoản tiền từ phía bên thứ ba thì Luật sư HT Legal VN tư vấn doanh nghiệp có thể thực hiện các bước pháp lý sau để bảo vệ quyền lợi (tùy diễn biến thực tế):

1. Thu thập chứng cứ sai phạm:

Kiểm tra, thu thập và thiết lập chứng cứ mọi tài liệu liên quan việc thi hành án sai, trái pháp luật (quyết định cưỡng chế, biên bản kê biên, giấy tờ sở hữu tài sản bị kê biên…), văn bản làm việc, khiếu nại (nếu có). Đây sẽ là căn cứ để thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện và đòi bồi thường.

2. Khiếu nại đến cơ quan thi hành án:

Nộp đơn khiếu nại theo Điều 140 Luật THADS tới Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã thực hiện việc cưỡng chế sai. Trình bày rõ sai phạm và yêu cầu hủy quyết định trái luật. Cơ quan này có trách nhiệm giải quyết khiếu nại trong thời hạn luật định.

3. Đề nghị tạm đình chỉ/tạm hoãn thi hành án:

Yêu cầu tạm đình chỉ/tạm hoãn việc thi hành án đối với vụ án trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại hoặc trường hợp khác theo luật định vì nếu việc thi hành tiếp tục có thể gây hậu quả khó khắc phục.

4. Thông báo Viện kiểm sát, Đại biểu quốc hội hoặc cơ quan giám sát khác (nếu cần):

Trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu tội phạm (ví dụ tham ô, lạm quyền), gửi đơn tố cáo hoặc thông báo đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Đại biểu quốc hội hoặc cơ quan giám sát khác (nếu cần). Các cơ quan này theo thẩm quyền họ có quyền kiểm tra, kháng nghị, giám sát, đưa ra ý kiến nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong thi hành án, đảm bảo tính khách quan.

5. Khởi kiện vụ án hành chính:

Nếu kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan thi hành án không thỏa đáng, doanh nghiệp có quyền khởi kiện hành chính đối với quyết định cưỡng chế sai pháp luật ra Tòa án. Tòa án sẽ xem xét tính hợp pháp của quyết định thi hành án, có thể tuyên hủy quyết định sai và khôi phục quyền lợi cho người bị hại.

6. Yêu cầu bồi thường nhà nước:

Sau khi đã có kết luận hoặc bản án xác định hành vi thi hành án trái pháp luật, Công ty AD có thể gửi đơn yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017. Điều kiện để được bồi thường gồm: có thiệt hại thực tế xảy ra, do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, như trường hợp tài sản bị mất mát do kê biên trái phép. Cơ quan trực tiếp quản lý người gây ra sai phạm sẽ đứng ra giải quyết bồi thường cho doanh nghiệp bị thiệt hại.

7. Theo dõi việc xử lý người thi hành công vụ sai phạm:

Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm đối với chấp hành viên đã làm sai. Luật hiện hành quy định công chức thi hành án làm sai phải bị xử lý và hoàn trả một phần hoặc toàn bộ khoản tiền Nhà nước bồi thường bằng tiền lương của họ. Việc này nhằm tăng trách nhiệm cá nhân và răn đe, ngăn ngừa sai phạm tái diễn.

Trên đây là những phương án mà Công ty AD có thể tham khảo để xử lý, doanh nghiệp nên yêu cầu sự tư vấn và đồng hành của Luật sư và công ty luật uy tín và chuyên về giải quyết thi hành án dân sự. Khi giải quyết vụ việc, tùy theo mức độ và diễn biến của quá trình thi hành án để áp dụng quy định pháp luật phù hợp, cũng như kết hợp xử lý các phương án khác nhau để đối mặt và xử lý các hành vi có dấu hiệu trái pháp luật của cơ quan thi hành án (nếu có).

Điều chúng ta rút ra từ tình huống này:

“Hãy thượng tôn pháp luật và dũng cảm hành động để đảm bảo công bằng”

Tình huống trên nhấn mạnh tầm quan trọng của công bằng và minh bạch trong thi hành án dân sự. Người dân và doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình thi hành án dân sự cần nắm rõ quyền lợi của mình sau khi có bản án: Bản án phải được thi hành đúng pháp luật và đúng những gì tòa án đã tuyên. Nếu gặp dấu hiệu oan sai, không nên im lặng hay chấp nhận thiệt thòi. Việc nhanh chóng sử dụng các quyền khiếu nại, tố cáo và yêu cầu bồi thường là cần thiết để tự bảo vệ tài sản, danh dự và lợi ích hợp pháp của mình.

Với cơ quan nhà nước, với các chính sách cải cách, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân cho thấy rằng đất nước ta đang chuyển mình để phát triển vững mạnh, các cơ quan thi hành án đang ngày càng công khai, minh bạch trong việc xử lý các hành vi vi phạm. Nhiều trường hợp thi hành án sai đã được giải quyết thỏa đáng và công bố rộng rãi, thể hiện Nhà nước bảo vệ người bị oan và nỗ lực sửa sai. Pháp luật hiện hành tạo hành lang để người dân đòi hỏi Nhà nước bồi thường dễ dàng hơn, đồng thời buộc cơ quan thi hành án phải chịu trách nhiệm về sai sót của mình và đương nhiên, đừng để mọi thứ quá muộn màn để bồi thường và nói lời xin lỗi. Việc đảm bảo công bằng và sự nghiêm minh của pháp luật sẽ góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động tư pháp, nâng cao niềm tin của doanh nghiệp, cộng đồng vào hệ thống pháp luật và tạo hạnh phúc bền vững cho xã hội.

Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần ý thức được quyền và nghĩa vụ trong thi hành án; mạnh dạn yêu cầu công bằng khi quyền lợi bị xâm phạm. Luật sư và các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ để đảm bảo mọi bản án được thi hành đúng luật, không còn ai phải gánh chịu án oan sai trong thi hành án dân sự. Đây là nền tảng để xây dựng môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, nơi quyền lợi hợp pháp của các bên đều được tôn trọng và bảo vệ.

  1. Liên hệ hỗ trợ

📩 Email: [info@htlegalvn.com](mailto:info@htlegalvn.com)

📞 Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040

🌐 Website: [www.htlegalvn.com](https://www.htlegalvn.com)

Công ty Luật TNHH HT Legal VN

*Đồng hành pháp lý – Chuyên sâu, tận tâm, hiệu quả*

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 12 Hẻm 602/37 Điện Biên Phủ, phường Thạnh Mỹ Tây, TP. Hồ Chí Minh

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, phường Tân Sơn, TP. Hồ Chí Minh

VP3: 5 Ngách 252/115 phố Tây Sơn, phường Đống Đa, TP. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon