BÊN VAY, BÊN THẾ CHẤP CẦN BIẾT VỀ VIỆC THU GIỮ TÀI SẢN BẢO ĐẢM CỦA NGÂN HÀNG? (LUẬT SƯ TRANH TỤNG UY TÍN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH)

694 lượt xem
5
(9)

Hiện tại, Quốc Hội Việt Nam đang xem xét dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó có một nội dung vô cùng quan trọng là Luật hóa một số quy định của Nghị Quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu nhằm luật hóa một số quy định về xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản của Ngân hàng.

Mọi quan hệ pháp luật phải được pháp luật điều chỉnh nên việc ghi nhận bằng pháp luật quá trình xử lý nợ của Ngân hàng, cũng như hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm của họ như một quyền hợp pháp của Ngân hàng là điều nên làm và phù hợp thực tế nhưng dưới góc độ pháp luật thì phải quy định và điều chỉnh thế nào để vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Ngân hàng nhưng cũng phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Bên vay, Bên bảo đảm nữa?

Đặc biệt là cơ chế kiểm soát, xử lý nguy cơ lạm quyền hoặc tiêu cực của Ngân hàng hoặc tổ chức/cá nhân có liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm như thế nào?

Người ta đặt ra quá nhiều lý do để thiết lập luật hóa việc xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm như một Quyền tự nhiên để bảo vệ Ngân hàng nhưng có vẻ như vô tình không nhìn ra sự bất bình đẳng vốn có trong quan hệ giữa Ngân hàng và Bên vay, Bên bảo đảm?

Phương án xử lý nợ và tài sản bảo đảm của Ngân hàng?

Trường hợp bên vay, bên thế chấp vi phạm Hợp đồng đã ký kết thì việc xử lý tài sản bảo đảm là biện pháp hữu hiệu nhất để các ngân hàng thu hồi được nợ và xử lý được vấn đề nợ xấu. Theo quy định pháp luật hiện nay thì ngân hàng có thể giải quyết vấn đề nợ xấu thông qua nhiều phương án:

Ngoài tố tụng:

Bên vay, bên bảo đảm tự huy động tiền để thực hiện việc trả nợ/bán tài sản để trả nợ hoặc ngân hàng tiến hành thuận với khách hàng nhằm thương lượng, thỏa thuận giải quyết dứt điểm khoản nợ. Đây là phương án tối ưu nhất vì hai bên đạt được sự đồng thuận, nhưng có một vấn đề với ngân hàng là họ không có quyền chủ động nắm giữ tài sản mà phụ thuộc vào thiện chí của bên vay, bên thế chấp và ngoài ra phụ thuộc vào yếu tố thị trường, tính thanh khoản của tài sản bảo đảm vào thời điểm thỏa thuận thanh lý.

Tố tụng và thi hành án:

Ngân hàng tiến hành khởi kiện và tham gia các giai đoạn thủ tục tố tụng tại Tòa án/Trọng Tài và sau đó yêu cầu thi hành án. Quá trình giải quyết sẽ phụ thuộc vào quy định pháp luật, chứng cứ và tiến độ giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phương án này đối với ngân hàng thường bị động và mất nhiều thời gian, trong khi yêu cầu phải giải quyết nhanh khoản nợ xấu đang hiện hữu.

– Thu giữ và chủ động bán tài sản bảo đảm:

So với hai phương án trên thì phương án thu giữ và chủ động bán tài sản bảo đảm đối với ngân hàng là một giải pháp chủ động và hữu hiệu hơn cả. Ngân hàng vừa chủ động nắm và quản lý được tài sản bảo đảm vừa tiến hành chủ động bán đấu giá tài sản theo bước giá, mức giá được cho là công khai và đúng theo quy định pháp luật cho đến khi bán được. Để nắm và quản lý được tài sản bảo đảm thì quyền thu giữ tài sản trở thành một quyền hạn vô cùng quan trọng và hết sức quan trọng đối với quá trình thu hồi nợ, xử lý nợ của ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời đã mang đến nhiều chuyển biến khá tích cực trong hoạt động xử lý nợ xấu của ngân hàng. Nhưng với Nghị Quyết này thì quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng có phần bị giới hạn bởi phải thỏa mãn 05 điều kiện sau đây:

(i) Phát sinh đúng trường hợp xử lý tài sản bảo đảm;

(ii) Việc thu giữ phải được ghi nhận tại hợp đồng bảo đảm;

(iii) Giao dịch bảo đảm/biện pháp bảo đảm phải được đăng ký theo đúng quy định;

(iv) Tài sản bảo đảm đang trong trạng thái bình thường, không phát sinh tranh chấp hoặc đang bị kê biên … như Nghị Quyết quy định;

(v) Tổ chức tín dụng đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin để các bên có liên quan biết được thời gian, địa điểm, lý do thu giữ tài bảo đảm... .

Hiện hữu xung đột và bất bình đẳng về quyền, lợi ích trong quan hệ Ngân hàng – khách hàng?

Về địa vị pháp lý, trong quan hệ tín dụng và giao dịch bảo đảm, rõ ràng bên vay và bên bảo đảm chưa bao giờ là bên lợi thế. Trong một bài viết chia sẻ pháp lý, Luật sư Tranh tụng Thành phố Hồ Chí Minh có chia sẻ nội dung: “Tại sao bên vay, bên thế chấp cần Luật sư bảo vệ?

Link: https://htlegalvn.com/index.php/tai-sao-ben-vay-va-ben-the-chap-can-luat-su-bao-ve-348.html

Trong đó, chúng tôi đã khẳng định: Ngân hàng là “ông lớn”, người tạo ra sân chơi và luật chơi (trên cơ sở pháp luật) về:

– Điều kiện vay vốn, hồ sơ vay vốn, định giá tài sản và thế chấp.

– Hồ sơ/ tài liệu theo biểu mẫu của các Ngân hàng và thường không có yếu tố thoả thuận ở đây (nếu khách hàng có đề nghị thay đổi câu chữ).

– Ngân hàng quy định lãi suất, biên độ tăng giảm lãi suất, phí phạt trả nợ ….

– Ngoài ra với hệ thống đầy đủ các quy định về xử lý nợ, miễn giảm lãi, xử lý rủi ro … đặt cạnh một hệ thống đầy đủ nhân lực, ban bệ và tiềm lực tài chính mạnh => luôn đặt bên vay/bên thế chấp vào một cuộc chiến không cân sức (nếu phát sinh tranh chấp).

– Ngân hàng thường là bên chủ động trong mối quan hệ tranh chấp với khách hàng: Phát xuất từ quy định chặt chẽ của pháp luật về việc cho vay nên thường cơ sở pháp lý của ngân hàng luôn vững chắc khi phát sinh tranh chấp. Ngân hàng lại luôn là bên chủ động làm việc với bên vay/ bên thế chấp và các bên có liên quan để thực hiện các biện pháp thu nợ.

– Thông thường, Ngân hàng là nguyên đơn nên việc chuẩn bị chứng cứ luôn chủ động và rất ổn, giúp họ xử lý vụ việc nhanh chóng và có lợi hơn so với phía còn lại.

– Ngân hàng có lợi thế hơn khi có khả năng nắm được điểm yếu về nhân thân, gia đình, tài chính và vấn đề khác của khách hàng vay và bên thế chấp, nếu biết tận dụng thì đó là một thứ vũ khí rất sắc bén để đe doạ, đôn đốc con nợ, việc nắm lợi thế về giá trị thực tế và giá có khả năng xử lý ngay đối với tài sản bảo đảm cũng là một ưu thế quá cao trong tương quan thương lượng với khách hàng.

Xét về tâm lý, ngân hàng thường là người chiến thắng khi tâm lý chiến, thường là người dẫn dắt cuộc chơi và kết thúc nó theo cách có lợi nhất cho mình.

Xét tính thiệt hơn (chi phí), đấu với ngân hàng về lâu dài thì thường phía còn lại luôn thua thiệt và luôn bất lợi xét trên cả cơ sở pháp lý và thực tiễn, đối đầu với Ngân hàng luôn là bất lợi vì tiềm lực tài chính, mất thời gian, vấn đề cơ sở pháp lý, giá trị tài sản, lãi mẹ đẻ lãi con … hàng loạt vấn đề khiến chúng ta phải dè dặt và tính toán.

Bất cập về quyền thu giữ và phát mại tài sản bảo đảm của Ngân hàng?

Quyền thu giữ và phát mại tài sản bảo đảm của ngân hàng nếu nhìn ở một giác độ ngược lại có thể thấy nhiều bất cập, việc thực thi quyền này khá nhạy cảm và tồn tại không ít những bất cập, thậm chí xung đột và tranh cãi.

Về địa vị pháp lý, có thể thấy khi ngân hàng được quyền thu giữ và phát mại tài sản bảo đảm một cách chủ động thì pháp luật đã trao cho họ quyền tự quyết định và tự xử lý nợ theo luật định mà không phụ thuộc vào bên còn lại, hay nói rõ ràng hơn rằng, nhà làm luật trao cho ngân hàng quyền tự do trong việc lựa chọn phương án xử lý nợ và phương án thu giữ tài sản bảo đảm nhưng phải đúng quy định pháp luật.

Nhưng vấn đề là ngân hàng là một chủ thể kinh tế chứ họ không phải là Cơ quan nhà nước độc lập như Tòa án, Trọng tài hay Cơ quan thi hành án, bài toán nan giải là làm sao để họ thực thi công việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm một cách khách quan và công bằng. Khi chính họ cũng chỉ là một chủ thể kinh tế, có đầy đủ các yếu tố áp lực về kinh doanh lãi, lỗ và áp lực xử lý nợ xấu… quyền, lợi ích hợp pháp của hai bên trong vấn đề phát mại tài sản bảo đảm vốn là đối nghịch vậy làm sao ngân hàng đảm bảo công bằng?

Thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể nhận thức rằng, với những khoản vay, tài sản có giá trị lớn hoặc những lợi ích hiện hữu thì ranh giới giữa nhận thức tuân thủ luật pháp, thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm hợp pháp và bất hợp pháp khá là mong manh. Nhiều vụ việc và tình huống tiêu cực đã xảy ra trên thực tế với nhiều hành vi mang tính chất cưỡng đoạt, đe dọa, thậm chí dùng vũ lực, uy hiếp, lừa dối và xâm phạm chỗ ở hợp pháp … hiển hiện nguy cơ xâm phạm các quyền, lợi ích cơ bản của bên vay, bên thế chấp, vậy nên không phải ai cũng có cái nhìn tích cực về hoạt động thu hồi nợ của ngân hàng.

Cơ chế giám sát hoạt động thu giữ và hệ quả?

Khi pháp luật trao cho ngân hàng được quyền chủ động và tự thu giữ tài sản bảo đảm, cũng như phát mại tài sản bảo đảm (thường là bán đấu giá) theo quy định pháp luật. Vậy ai giám sát công việc này của họ? Chế tài và hình phạt (hình sự và hành chính) đặt ra với trường hợp đặc thù này là như thế nào?

Quan hệ tín dụng và giao dịch bảo đảm là quan hệ dân sự phổ biến và ảnh hưởng cực kỳ lớn đến mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế xã hội nên việc xung đột lợi ích, xâm phạm quyền và lợi ích là điều rất dễ xảy ra và hết sức phức tạp.

Trong vấn đề thu giữ tài sản hiện tại, pháp luật chỉ đặt ra sự giám sát của Cơ quan công quyền (Ủy ban nhân dân, Cơ quan công an …) trong việc niêm yết hoặc chứng kiến việc ban hành các văn bản xử lý nợ, thông báo thu giữ, quyết định thu giữ, biên bản thu giữ …hoặc đảm bảo an ninh trật tự khi diễn ra việc thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng. Ngoài ra, các hành vi khác, bao gồm cả việc ký kết Hợp đồng định giá, bán đấu giá tài sản, … thì tự thực hiện và tự tuân thủ theo quy định pháp luật mà không hề có cơ chế giám sát chặt chẽ.

Vấn đề đặt ra là:

Ai giám sát và đảm bảo rằng ngân hàng đã ban hành đúng các văn bản xử lý nợ, thông báo, quyết định về việc thu giữ … làm sao những Cơ quan nhà nước hiện diện tại đó giám sát và biết được việc làm này là đúng và đã tuân thủ luật định? Trường hợp sai thì ai chịu trách nhiệm và trách nhiệm tới đâu?

Làm sao đảm bảo việc định giá tài sản bảo đảm, việc ký kết hợp đồng thẩm định tài sản là khách quan và đúng pháp luật?

Làm sao đảm bảo việc lựa chọn và ký kết Hợp đồng dịch vụ đấu giá và việc tuân thủ đấu giá là đảm bảo công khai, minh bạch và không có tiêu cực?

Làm sao bảo đảm ngân hàng đã tận tâm và bán tài sản bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất và không gây thất thoát tài sản cho khách hàng?

Cơ chế giám sát của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Viện Kiểm sát, ,Cơ quan Công an, Ngân hàng nhà nước, Thanh tra nhà nước …vào định chế đặc thù này như thế nào để đảm bảo pháp luật được thực thi và sự thượng tôn pháp luật?

Quy định pháp luật về chế tài, hình phạt (hình sự hoặc dân sự) với các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm là đã đủ sức răn đe chưa?

Xét về tâm lý xã hội, một quan hệ dân sự có sự tham gia, hiện diện của Cơ quan nhà nước như đại diện ủy ban, công an địa phương là đã tạo ra một sức ép tâm lý ghê gớm đến bên vay, bên thế chấp, vì làm sao phân biệt giữa một quan hệ dân sự bình thường (thu giữ tài sản bảo đảm) với một hành vi trái pháp luật như hành vi có dấu hiệu tội phạm hoặc gây rối trật tự công cộng …?

chưa kể đến việc hiện diện ở đây với vai trò gì? bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ai?

Xét về tinh thần thượng tôn pháp luật, việc thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm cũng chỉ là quyền tự bảo vệ của ngân hàng nhưng đặt trong quan hệ pháp luật thì đây là quan hệ dân sự và tất cả các bên phải bình đẳng trước pháp luật. Nếu không đảm bảo tinh thần ôn hòa, gây mất trật tự công cộng hoặc để xảy ra bất đồng, tranh chấp thì phải được phân xử bởi Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Thay vì tư duy xử lý nợ xấu một cách vội vàng vì chưa tính đến nguyên nhân khách quan và chủ quan hoặc nguyên nhân tiêu cực từ chính ngân hàng thì cần đặt ra sự tập trung cải cách tư pháp, nâng cao quy trình, nghiệp vụ, cơ chế áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết các vụ việc liên quan đến quan hệ tín dụng, giao dịch bảo đảm nhằm giải quyết dứt điểm việc xử lý tài sản bảo đảm nhằm đạt hiệu quả, tiết kiệm, công bằng xã hội và thượng tôn pháp luật.

Vai trò của Luật sư bảo vệ bên vay, bên thế chấp trong hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng?

Trước hết phải khẳng định Luật sư ở đây là nói đến các Luật sư chuyên về bảo vệ bên vay, bên thế chấp hoặc xử lý nợ xấu chuyên nghiệp, có thế mạnh đặc thù như Luật sư Tranh tụng Thành phố Hồ Chí Minh.

Các hoạt động tư vấn và triển khai dịch vụ pháp lý của các đơn vị/cá nhân không chuyên sẽ không đem lại hiệu quả cao mà ngược lại tính bất lợi rất lớn. Yếu tố thời gian, giá trị tài sản, nắm điểm yếu điểm mạnh, quyết định đưa ra phương án nhanh chóng, chính xác là tiên quyết trong thương lượng các vụ việc này.

Với năng lực, kiến thức và trải nghiệm thực tế của Luật sư Tranh tụng Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi thực hiện:

– Xem xét, đánh giá toàn bộ hồ sơ, tài liệu và phân tích điểm mạnh yếu của khách hàng. Từ đó, đưa ra hướng đi phù hợp cho vấn đề pháp lý của khách hàng.

– Xác định hướng giải quyết và tư vấn cho khách hàng tất cả các quy định pháp luật liên quan, quyền của khách hàng theo luật định, những biện pháp, giải pháp sẽ thực hiện tuỳ từng vụ việc, từng tình huống.

– Vận dụng quy định pháp luật để hướng dẫn và chuẩn bị các chứng cứ, hồ sơ tài liệu có lợi.

– Ra thông báo, văn bản để mời Ngân hàng đến làm việc, đưa ra các tình huống, ý kiến để thương lượng và thoả thuận. Ngoài ra, đưa ra các đề xuất để biến sự bị động thành chủ động.

– Trực tiếp đại diện khách hàng làm việc với Ngân hàng và các bên có liên quan để chủ động khiếu nại, khởi kiện hoặc đề xuất theo hướng có lợi cho khách hàng.

– Đưa ra giải pháp hiệu quả và kịp thời nhằm ngăn chặn và đáp trả hành vi có hướng đe doạ trái pháp luật, gây áp lực hoặc tiến hành thu giữ, xử lý tài sản thế chấp của Ngân hàng.

– Đại diện khách hàng làm việc với ngân hàng và các tổ chức/cá nhân có liên quan đến quá trình thu giữ, giao nhận tài sản bảo đảm, phát mại tài sản bảo đảm, định giá, đấu giá …. nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

– Đại diện khách hàng tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền, tham gia tố tụng Trọng tài theo quy định pháp luật.

– Đại diện khách hàng giải quyết giai đoạn thi hành án và xử lý tất cả các tình huống phát sinh tại giai đoạn này.

Với sự chuyên nghiệp của mình, bên cạnh giải pháp pháp lý thì giải pháp tài chính và giải pháp quản trị rủi ro của Luật sư Tranh tụng Thành phố Hồ Chí Minh góp phần xử lý dứt điểm vấn đề vì suy cho cùng, ngân hàng muốn thu hồi tiền nợ, còn khách hàng thì muốn trả nợ và việc rao bán tài sản, chuyển nhượng tài sản hoặc huy động tiền là đích đến cuối cùng. Quan trọng là thoả thuận hoặc đấu tranh để tính toán thiệt hơn trong mối quan hệ tranh chấp này như thế nào thôi.

Luật sư Tranh tụng Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề pháp lý của khách hàng, với các Luật sư cộng sự, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quản lý rủi ro, quản lý và xử lý nợ , tài chính, ngân hàng, Luật sư Tranh tụng Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp xử lý nợ chuyên nghiệp, linh hoạt, hiệu quả và mong muốn có cơ hội đồng hành cùng Quý khách hàng.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Luật sư Tranh tụng Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040              

Website: https://luatsutphochiminh.vn/

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 9

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon