DÙNG TIỀN VAY KHÔNG ĐÚNG MỤC ĐÍCH BAN ĐẦU CÓ PHẠM TỘI? (LUẬT SƯ UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP. HỒ CHÍ MINH)

1K lượt xem
5
(7)

Câu hỏi: Người vay tiền của người khác nói là dùng vốn để làm ăn, kinh doanh nhưng sau đó tiêu xài, mua sắm dẫn đến không trả được nợ thì có phạm tội không?

Vấn đề vay tiền là một trong những vấn đề dân sự phổ biến trong đời sống, mỗi cá nhân sẽ có những mục đích khác nhau để phục vụ cho cuộc sống của mình khi sử dụng khoản tiền vay này. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp lợi dụng sự tín nhiệm của người khác để vay nợ rồi sử dụng không đúng mục đích ban đầu vay tiền, dẫn đến mất khả năng trả nợ. Vậy trong bài viết này, hãy cùng Công ty Luật TNHH HT Legal VN đi tìm hiểu rõ hơn hành vi như vậy có phạm tội hay không?:

Cơ sở pháp lý:

– Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Sau đây gọi là Bộ Luật Hình sự 2015).

– Công văn 64/TANDTC-PC năm 2019 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính do Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày  03/04/2019 (Sau đây gọi là Công văn 64/TANDTC-PC năm 2019)

Nội dung:

1. Quy định hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Căn cứ khoản 1 Điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

“a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

 Như vậy, hành vi cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đều là hành vi “vay, mượn, thuê tài sản của người khác” hoặc “nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng”, nhưng lại đi kèm với phải thuộc một trong ba hành vi sau:

(1) “Dùng thủ đoạn gian dối” là những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, thường đưa ra thông tin giả (giấy tờ giả, giả danh,…), không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội.

(2) “Đến hạn trả tài sản, có điều kiện và khả năng trả nhưng cố tình không trả” như có nhà, đất đai, tài sản nhưng chây ì, tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản…, đây là hành vi vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

(3) “Đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả”, chẳng hạn như đánh bạc, buôn lậu, rửa tiền… hành vi này cũng mang tính cố ý, người vay nhận thức được tính bất hợp pháp của chính những hành vi mà mình thực hiện nên mới dẫn đến việc không có khả năng trả.

Như vậy, khi vay tài sản nói chung hay vay tiền nói riêng mà có một trong các hành vi đã phân tích ở trên thì sẽ được xem là phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

2. Dùng tiền không đúng mục đích ban đầu có phạm tội?

Trong trường hợp cụ thể: Người vay tiền của người khác nói là dùng vốn để làm ăn, kinh doanh nhưng sau đó tiêu xài, mua sắm dẫn đến không trả được nợ.

Có thể thấy trường hợp này là mối quan hệ dân sự giữa bên cho vay và bên vay tiền với cách thức sử dụng tiền vay không đúng mục đích xin vay vốn ban đầu đã nói, mà dùng vốn vay để tiêu xài, mua sắm dẫn đến họ không có điều kiện, khả năng trả nợ. Nhưng nhìn dưới góc độ tội phạm hình sự thì lại không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cụ thể như sau:

Người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích xin vay vốn nhưng không sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền, sản xuất, buôn bán ma túy…) mà dùng vốn vay để tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại…) dẫn đến khi đến hạn họ không có điều kiện, khả năng trả nợ thì không coi là sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản để xử lý trách nhiệm hình sự.  Tuy nhiên, cần xét đến hành vi tại thời điểm đến hạn thanh toán để xác định xem có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không, cụ thể:

Trường hợp 1: Đến thời hạn trả lại tài sản mà họ có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì bị xử lí trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. (Theo Điều 6 của Công văn 64/TANDTC-PC năm 2019)

Trường hợp 2: Đến hạn nhưng không có khả năng, điều kiện để trả được và cũng không có hành vi bất hợp pháp như đã phân tích ở trên mặc dù dùng tiền vay sai mục đích ban đầu, nên không đủ cơ sở để xác định hành vi trên có cấu thành phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đây sẽ là rủi ro của bên cho vay mượn. Lúc này, có thể thỏa thuận lại thời hạn trả nợ để chờ đến khi bên vay có đủ khả năng chi trả. Trường hợp đã thông báo quá hạn một khoảng thời gian và không thể thỏa thuận lại được thời hạn trả nợ thì bên cho vay tiền có thể khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu tòa án buộc bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Trường hợp thứ ba: Nếu ngay từ đầu người vay tiền biết mình không có khả năng trả nợ, nhưng cố tình đưa ra thông tin gian dối là vay tiền để kinh doanh, nhằm mục đích để người khác tin để đưa tiền, cho vay. Sau đó, sử dụng tiền để tiêu xài cá nhân, trả nợ…dẫn đến không có khả năng trả nợ thì trường hợp này nếu số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 trở lên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật hình sự.

Thông qua bài viết trên, HT Legal VN hy vọng quý bạn đọc đã có thêm hiểu biết về trường hợp sử dụng tiền vay không đúng với mục đích ban đầu khi vay mượn.

Thông tin liên hệ chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com   Hotline: 09 6161 4040 09 4517 4040

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 7

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon