Tội phạm về tham nhũng xuất hiện ngày càng nhiều và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội. Điều đặc biệt, trong các tội danh về tham nhũng và chức vụ thì tội “đưa hối lộ” luôn gắn với các tội danh khác như “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ”. Hành vi đưa hối lộ thường diễn ra kín đáo, tinh vi, bí mật, cả người đưa và người nhận hối lộ đều tìm cách che giấu và trốn tránh nên trên thực tế sẽ rất khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền điều tra và xử lý.
Khi đề cập đến đối tượng của tội phạm đưa hối lộ thông thường sẽ là những lợi ích vật chất như tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Tuy nhiên, “lợi ích phi vật chất” cũng được pháp luật về hình sự hiện hành đề cập và thậm chí có nhiều quan điểm cho rằng hối lộ bằng “lợi ích phi vật chất” còn gây ra hậu quả nặng nề hơn nhiều so với “lợi ích vật chất”. Về vấn đề này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN kính mời Quý đọc giả cùng tham khảo bài viết sau đây.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
– Bộ luật dân sự năm 2015;
– Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 12 năm 2020 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.
Nội dung:
1. Hành vi đưa hối lộ bằng “tình dục”
Căn cứ Khoản 1 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, người đưa hối lộ được hiểu là người “trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.
“Lợi ích phi vật chất” được hiểu là những lợi ích không phải lợi ích vật chất. Những lợi ích vật chất được đề cập ở đây là những tài sản được quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 hoặc những lợi ích vật chất khác. Như vậy, đặc điểm của “lợi ích phi vật chất” là những lợi ích không quy đổi được thành tiền hay tài sản khác, từ đó có thể thấy lợi ích về “tình dục” là một trường hợp của “lợi ích phi vật chất”.
Hành vi đưa hối lộ bằng “lợi ích phi vật chất” được Hội đồng thẩm phán nhân dân tối cao xác định tại Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP bao gồm những hành vi như “hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục,…”.
Một ví dụ cụ thể cho trường hợp đưa hối lộ bằng “tình dục”: Một cô gái tên K nhận lời sẽ quan hệ tình dục với một quan chức cấp cao trong một đêm để được quan chức này hứa hẹn bổ nhiệm Cô K làm trưởng phòng. Thông qua ví dụ trên, “lợi ích phi vật chất” là việc Cô K nhận lời quan hệ tình dục, tuy nhiên hành vi đưa hối lộ này thường ít để lại bằng chứng nên Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ rất khó để chứng minh hành vi phạm tội.
2. Chế tài xử lý hành vi đưa hối lộ bằng “tình dục”
a/ Dấu hiệu pháp lý
– Khách thể của tội phạm là xâm phạm đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.
– Mặt khách quan của tội phạm là hành vi đưa của hối lộ cho người có chức vụ quyền hạn. Hành vi ở đây được thực hiện dưới hình thức: đã đưa hoặc sẽ đưa trực tiếp hoặc qua trung gian
– Chủ thể của tội phạm: bất kỳ ai có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
– Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Nếu người đưa hối lộ đưa nhầm cho người không có chức vụ quyền hạn thì vẫn cấu thành tội đưa hối lộ. Tội đưa hối lộ có động cơ vụ lợi. Mục đích là để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Tuy nhiên, động cơ không phải là dấu hiệu cấu thành bắt buộc của tội phạm này.
b/ Chế tài xử lý
Theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì hành vi đưa hối lộ phi vật chất, trong đó bao gồm “đưa hối lộ tình dục” cũng là hành vi cấu thành tội đưa hối lộ. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 364 quy định rõ người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Thứ nhất là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
Thứ hai là lợi ích phi vật chất.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, người đưa “hối lộ tình dục”, “đổi tình lấy chức” cũng bị xử lý hình sự như nhận tài sản, tiền bạc. Tuy nhiên, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Với việc Tòa án nhân dân tối cao ban hành hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30 tháng 12 năm 2020 về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ cụ thể, hướng dẫn rõ ràng hóa hành vi đưa/nhận hối lộ “lợi ích phi vật chất” như việc “hối lộ bằng tình dục” sẽ góp phần tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở khởi tố điều tra về hành vi “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” bằng các lợi ích phi vật chất, đồng thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh về phòng, chống tội phạm tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Trên đây là một số nội dung về vấn đề đưa hối lộ bằng tình dục được Công ty Luật TNHH HT Legal VN cung cấp, mọi thông tin thắc mắc xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040