NGƯỜI BỊ TẠM GIAM CÓ QUYỀN MỜI LUẬT SƯ KHÔNG? (LUẬT SƯ BÀO CHỮA, BẢO VỆ UY TÍN TẠI TP. HỒ CHÍ MINH)

269 lượt xem
5
(4)

Trong hoàn cảnh bị tạm giam, nhiều người còn băn khoăn về việc có được mời Luật sư bào chữa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay không. Nếu có thể, việc mời Luật sư khi đang bị tạm giam được thực hiện ra sao? Công ty Luật HT Legal VN xin chia sẻ những thông tin liên quan để giải quyết vấn đề này qua bài viết sau đây:

Cơ sở pháp lý:

– Hiến pháp 2013

– Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015

– Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an

Nội dung:

1. Tạm giam được áp dụng khi nào?

Căn cứ theo Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định tạm giam có thể áp dụng đối với các trường hợp sau:  

– Đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

– Đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

+ Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

+ Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

+ Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

+ Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

+ Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

– Đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

Theo đó, việc phân loại tội phạm được xác định bởi tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015:

– Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

– Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

– Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

– Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Người bị tạm giam có được quyền mời Luật sư không?

  • Căn cứ khoản 4 Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định:

“4. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.”

  • Căn cứ Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

“Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.”

  • Căn cứ khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

“ 2. Người bào chữa có thể là:

a) Luật sư;

b) Người đại diện của người bị buộc tội;

c) Bào chữa viên nhân dân;

d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.”

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

“Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.”

Như vậy, ngay từ thời điểm bị tạm giữ, bị tạm giam, bị khởi tố bị can, truy tố và xét xử cho đến khi kết thúc vụ án người bị tạm giữ, tạm giam có quyền mời luật sư tham gia bào chữa cho mình. Luật sư bào chữa sẽ tham gia xuyên suốt trong tất cả các giai đoạn tố tụng của vụ án hình sự. 

3. Thủ tục khi người bị tạm giam có nhu cầu mời Luật sư bào chữa

Căn cứ Điều 3, Điều 4, Điều 6 Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an, thủ tục gồm các bước sau:

Bước 1: Làm đơn yêu cầu người bào chữa theo hướng dẫn của Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra cho cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam theo khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Trường hợp bị can đang bị tạm giam chưa yêu cầu nhờ người bào chữa thì trong lần đầu tiên hỏi cung bị can, Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra phải hỏi rõ người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can có nhờ người bào chữa hay không và phải ghi ý kiến của họ vào biên bản.

Bước 2: Trong thời hạn 24 giờ, cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích.

Trường hợp người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

Bước 3: Luật sư thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa tại Cơ quan điều tra theo quy định tại Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Bước 4: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ trong thủ tục đăng ký ở Bước 3, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ.

Sau khi kiểm tra nếu xét thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa. Nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Trên đây là một số ý kiến của Công ty Luật HT Legal VN liên quan đến vấn đề Người bị tạm giam có quyền mời luật sư hay không. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý có liên quan, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com         Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 4

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon