NGƯỜI GỬI TIỀN ĐƯỢC PHÁP LUẬT BẢO VỆ NHƯ THẾ NÀO KHI NGÂN HÀNG HOẶC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GẶP SỰ CỐ (LUẬT SƯ UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)

134 lượt xem
0
(0)

Khi một Ngân hàng có sự cố hay tình hình hoạt động không khả quan, người gửi tiền thường có động thái hoang mang và ngay lập tức tìm cách rút tiền gửi, tiền tiết kiệm nhằm tránh việc mất tiền. Tuy nhiên, trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam chưa có một Ngân hàng nào bị tuyên bố phá sản và giải thể. Bởi lẽ, khi một Ngân hàng gặp sự cố hoặc kinh doanh thua lỗ, âm vốn điều lệ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều động thái nhằm kiểm soát tình hình như mua lại, sáp nhập, hợp nhất và khi không cứu vãn được nữa thì mới giải thể hoặc tuyên bố phá sản. Nếu chẳng may Ngân hàng bị phá sản, tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng đó được đảm bảo thế nào, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo vệ ra sao. Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN sẽ thông tin các quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi và các luật khác có liên quan quy định về việc bảo vệ tiền gửi của khách hàng khi Ngân hàng phá sản.

1. Ngân hàng tuyên bố phá sản:

Trong lịch sử ngành ngân hàng chỉ có 3 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại do bị âm vốn, với giá 0 đồng là Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank) nhằm mục đích tái cơ cấu lại Ngân hàng, bảo vệ việc chi trả tiền gửi cho khách hàng và ngăn chặn chuỗi yếu kém lây lan đến những ngân hàng và tổ chức tín dụng khác.

Theo quy định tại Điều 145 của Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 thì những trường hợp sau sẽ đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt:

a) Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

b) Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;

c) Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật này trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục;

d) Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Khi một Ngân hàng rơi vào một trong các trường kể trên thì Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đặt vào trường hợp kiểm soát đặc biệt. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương cơ cấu lại theo phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp đối với ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt; Quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, dư nợ gốc, lãi của khoản cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng đó được chuyển thành dư nợ cho vay đặc biệt.

Có 02 trường hợp người gửi tiền quan tâm là khi Ngân hàng bị sự cố là giải thể hoặc phá sản.

– Tại khoản 1 Điều 150 của Luật các Tổ chức tín dụng quy định: “Theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ quyết định chủ trương giải thể tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 147a hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a hoặc khoản 4 Điều 149d của Luật này khi tổ chức tín dụng đủ điều kiện giải thể theo quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp, hợp tác xã.

– Trong quá trình giám sát thanh lý tài sản của Ngân hàng bị giải thể, nếu phát hiện Ngân hàng không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định chấm dứt thanh lý và thực hiện phương án phá sản Chủ trương phá sản được coi là biện pháp cuối cùng khi Ngân hàng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc. Lúc này, Ngân hàng sẽ đó làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo Điều 155 của Luật các Tổ chức tín dụng. Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.

2. Quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

Để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người gửi tiền, Luật Bảo hiểm tiền gửi được ban hành nhằm thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn đối với tiền gửi của người gửi tiền trong hạn mức bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Tại Điều 5, 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định: “Bảo hiểm tiền gửi là loại hình bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật này”; “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, khi một Ngân hàng bị phá sản thì người gửi tiền sẽ được nhận một khoản tiền bảo hiểm trong hạn mức bảo hiểm. Không phải tất cả những người gửi tiền điều được nhận tiền bảo hiểm tiền gửi mà chỉ những tiền gửi theo quy định tại Điều 18 của Luật này như sau: Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi sau:

1. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.

2. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

3. Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.

Lưu ý: Vấn đề người gửi tiền cực kỳ quan tâm chính là Hạn mức trả tiền bảo hiểm, đây là số tiền tối đa mà Tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

Tại Điều 3 của Quyết định 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm thì số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng (một trăm hai mươi lăm triệu đồng) (Mức này đã tăng thêm 50 triệu đồng so với quy định trước đó tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ là 75 triệu đồng). Phần vượt quá mức 125 triệu đồng sẽ được giải quyết sau khi cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản của Ngân hàng.

3. Nhận tiền bảo hiểm tiền gửi:

Theo quy định tại Nghị định 86/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Chính Phủ thì khi nhận tiền bảo hiểm, người gửi tiền sẽ đến Tổ chức bảo hiểm tiền gửi hoặc đến chính Ngân hàng (được Tổ chức bảo hiểm tiền gửi Ủy quyền trả tiền bảo hiểm) để nhận tiền, phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. Trường hợp người nhận tiền bảo hiểm là người được ủy quyền, người thừa kế của người được bảo hiểm tiền gửi, ngoài việc xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, phải xuất trình các giấy tờ chứng minh tư cách là người được ủy quyền, người thừa kế của người được bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

Trường hợp gửi tiền tiết kiệm, người được bảo hiểm tiền gửi phải xuất trình thẻ tiết kiệm.

Trường hợp mua giấy tờ có giá do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành, người được bảo hiểm tiền gửi phải xuất trình chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu.

Lời khuyên của Công ty Luật HT Legal VN đến người gửi tiền, mặc dù Nhà nước luôn cố gắng bảo vệ người gửi tiền và tìm mọi cách để bảo vệ Ngân hàng hoạt động ổn định nhưng khi quyết định gửi tiền vào tổ chức tín dụng nào cũng cần bỏ chút thời gian nghiên cứu, tìm hiểu để lựa chọn ngân hàng, tổ chức tín dụng có uy tín để gửi tiền, đặc biệt là đối với những ứng dụng tài chính vẫn chưa có cơ chế, chính sách pháp luật thật sự rõ ràng, giúp người gửi tiền lấy lại tiền khi tham gia đầu tư.

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com           Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon