NHẬN DIỆN KHUYẾN MẠI NHẰM CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH (LUẬT SƯ UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)

234 lượt xem
5
(1)

Khuyến mại là hoạt động thường thấy khi kinh doanh, nhằm thu hút khách hàng, tăng sự cạnh tranh trong cùng một mặt hàng và đẩy mạnh doanh số của doanh nghiệp. Nhưng trong thực tế, không thiếu trường hợp khuyến mại bị biến tướng, trở thành công cụ cạnh tranh bẩn, chỉ có doanh nghiệp phân phối sản phẩm đó thắng thế. Người tiêu dùng bị lợi dụng, đối thủ bị giảm sức cạnh tranh.

Để tránh trường hợp nêu trên, pháp luật đã có những rào cản pháp lý phù hợp để ngăn ngừa hoạt động khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh. HT Legal VN xin chia sẻ bài viết dưới đây để Quý doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể cùng nhận diện

I. Cơ sở pháp lý:

– Luật Thương mại năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019 (Sau đây gọi tắt là “Luật Thương mại năm 2005”);

– Luật Cạnh tranh năm 2018;

– Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 141/2018/NĐ-CP và 75/2019/NĐ-CP (Sau đây gọi tắt là “Nghị định số 71/2014/NĐ-CP”).

II. Nội dung:

1. Khuyến mại là gì?

Theo khoản 10 điều 3 Luật Thương mại năm 2005, khuyến mại là một trong năm hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao dịch hàng hóa và dịch vụ.

Khoản 1 điều 88, điều 92 Luật Thương mại năm 2005 quy định, để khuyến mại, doanh nghiệp dành cho khách hàng những lợi ích nhất định, có thể theo các hình thức như sau:

(a) Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền.

(b) Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền.

(c) Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

(d) Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định.

(e) Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.

(f) Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.

(g) Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hoá, dịch vụ hoặc các hình thức khác.

(h) Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.

(i) Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận.

Các hoạt động khuyến mại trên đây đều đã diễn ra trên thực tế và quen thuộc với tất cả người tiêu dùng. Đặc biệt là hình thức tặng hàng hóa không thu tiền và bán hàng thấp hơn giá thị trường là rất phổ biến trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiktok Shop.

2. Hành vi nào được xem là khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh?

Khoản 6 điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.” Hiểu một cách cụ thể hơn thì hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh là các hành vi như sau theo khoản 1 điều 34 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP:

– Tổ chức khuyến mại mà gian dối về giải thưởng;

Điều này được hiểu là khách hàng không có cơ hội nhận được những phần thưởng dùng để khuyến mại hoặc những phần thưởng đó không đúng như chương trình khuyến mại đã đề ra. Ví dụ như:

– Khuyến mại bằng hình thức bốc thăm trúng thưởng, tuy nhiên, không có lá phiếu ghi số của các khách hàng tham gia bốc số. (Trường hợp thực tế từng xảy ra ở đợt khuyến mại tại TP. Hồ Chí Minh năm 2006 của Công ty Điện tử X Việt Nam)

– Khuyến mại bằng hình thức nhận phiếu quà tặng. Trên phiếu không ghi thông tin nhưng địa điểm bán hàng yêu cầu điều kiện nhận thưởng là phải mua một món hàng nhất định. Tuy nhiên, món hàng này có giá cả rất cao nhưng chất lượng không tương xứng. (Trường hợp thực tế từng xảy ra ở đợt khuyến mại năm 2010 của Siêu thị V Hà Nội)

– Khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng;

Thông tin khuyến mại đưa ra không đúng hoặc mập mờ khiến khách hàng không thể hiểu bản chất thật sự của việc khuyến mại. Ví dụ: Mở đợt khuyến mại giảm giá nhưng thực tế, doanh nghiệp đã tự tăng giá bán lên 10 – 15% trước thời điểm diễn ra tháng khuyến mại, để đến khi vào chương trình khuyến mại thì lại “giảm giá”.  Hoặc giảm giá nhưng đi kèm là chất lượng hàng hóa, dịch vụ rất thấp.

– Phân biệt đối xử đối với các khách hàng như nhau tại các địa bàn tổ chức khuyến mại khác nhau trong cùng một chương trình khuyến mại;

Hành vi này được hiểu là trong một chương trình khuyến mại chung, doanh nghiệp đưa ra chương trình khuyến mại nhưng lại không khách quan, công bằng, phân biệt đối xử đối với các khách hàng như nhau trong các địa bàn tổ chức khuyến mại khác  nhau.

Ví dụ: Chương  trình  khuyến  mại  của  mạng  di  động V  thực hiện từ ngày 15/5 đến 17/5/2010, khuyến mại thêm 100% số tiền nạp thẻ cho các thuê bao của mạng. Tuy nhiên, chỉ những khách hàng nhận được tin nhắn thông báo về việc  khuyến  mại  thì  mới  được  hưởng  khuyến mại. Nhưng vấn đề là hoàn toàn không có một câu trả lời chính xác là Vinaphone đã dựa vào tiêu chí nào để phân loại cho các thuê bao mạng di động được hưởng khuyến mại và tổng số thuê bao được hưởng khuyến mại là bao nhiêu. Rõ ràng là đã có sự phân biệt đối xử đối với khách hàng trong chương trình khuyến mại của V.

– Tặng hàng hóa cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hóa cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình.

Tặng hàng hóa cho khách hàng dùng thử sẽ tạo cơ hội cho khách hàng biết về sản phẩm, cảm nhận được giá trị của sản phẩm, từ đó có thể sẽ tích cực tham gia sử  dụng  sản phẩm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc yêu cầu khách hàng đổi hàng  hóa cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Ví dụ điển hình cho hoạt động này là vào năm 2009, tại Hải Dương, Công ty Viễn thông M đã bán hàng lưu động với chương trình “Đổi sim mạng khác lấy sim Công ty Viễn thông M có 230.000 đồng trong tài khoản”. Theo đó, khách hàng có sim của mạng khác (trong đó có Công ty Viễn thông V), còn tài khoản dưới 15.000 đồng và còn hạn sử dụng, có thể đổi miễn phí lấy một sim MX của Công ty Viễn thông M có sẵn trong tài khoản 50.000 đồng, mỗi tháng tặng thêm 15.000 đồng, tặng trong 12 tháng. Có thể thấy đây là hành vi khuyến mại trực tiếp gây ảnh hưởng đến đối thủ cạnh tranh của Công ty Viễn thông M và đã bị Công ty Viễn thông V nộp văn bản tố giác về hành vi cạnh tranh không lành mạnh này.

3. Doanh nghiệp có thể bị xử lý như thế nào khi phát hiện có hành vi cạnh tranh không lành mạnh?

Khoản 2 điều 5, điều 34 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

(a) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng

Trong trường hợp quy mô tổ chức khuyến mại thuộc phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

(b) Bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm

(c) Cải chính công khai.

Tại Điều 21 của Nghị định 75/2019/NĐ-CP ngày 26/9/2019 của Chính phủ quy định Hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ sẽ bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;

b) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Công ty Luật TNHH HT Legal VN tự hào là Công ty Luật chuyên nghiệp trong hệ thống tư vấn pháp lý doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển an toàn trong thời đại kinh tế thị trường. Nếu có nhu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 1

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon