Quyền tác giả có một đặc điểm đặc biệt, đó là có hai chủ thể được nắm giữ quyền tác giả: bản thân tác giả và chủ sở hữu. Tác giả và chủ sở hữu có thể không cùng là một cá nhân, tổ chức. Trên thực tế, phim ảnh không thể chỉ được xây dựng bởi mỗi kịch bản mà còn cần phải có sự đầu tư về bối cảnh, diễn viên, nhân sự. Do đó, pháp luật không chỉ quy định về quyền tác giả mà còn có quyền của chủ sở hữu quyền tác giả.
Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ bài viết dưới đây về quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả đối với phim ảnh.
I. Cơ sở pháp lý:
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2019 và 2022 (Sau đây gọi tắt là “Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005”);
II. Nội dung:
1. Phân biệt chủ sở hữu và tác giả:
Tác giả | Chủ sở hữu |
Là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm theo khoản 1 điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 | Theo điều 37 đến điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, có 06 dạng chủ sở hữu:
a. Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả: Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm b. Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả: Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm c. Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả d. Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế e. Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền f. Chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan là Nhà nước trong một số trường hợp đặc biệt |
Như vậy, có thể hiểu Chủ sở hữu là người sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật để tạo điều kiện để một hoặc nhiều người sáng tạo ra tác phẩm, không trực tiếp tạo ra tác phẩm như tác giả hoặc được chuyển giao các quyền tác giả thông qua thỏa thuận, thừa kế.
2. Quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả đối với phim ảnh:
Khoản 1 Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 quy định:
“1. Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được quy định như sau:
a) Biên kịch, đạo diễn được hưởng quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này;
b) Quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng quyền quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này;
c) Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản; có nghĩa vụ trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) theo hợp đồng với những người quy định tại điểm a và điểm b khoản này;
d) Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh có thể thỏa thuận với những người quy định tại điểm a khoản này về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm;
đ) Trường hợp kịch bản, tác phẩm âm nhạc trong tác phẩm điện ảnh được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của kịch bản, tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.”
Quyền tác giả được nêu tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 và Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022 quy định như sau:
Quyền nhân thân
(khoản 3 Điều 19) |
Quyền tài sản
(khoản 1 Điều 20) |
Biên kịch, đạo diễn được hưởng quyền:
1. Đặt tên cho tác phẩm. 2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; 3. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng quyền: Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng. |
a. Làm tác phẩm phái sinh
b. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm; c. Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp theo pháp luật quy định d. Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp theo pháp luật quy định e. Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn; f. Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh. (Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện quyền này) |
Công ty Luật TNHH HT Legal VN tự hào là Công ty Luật chuyên nghiệp trong hệ thống tư vấn pháp lý doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển an toàn trong thời đại kinh tế thị trường. Nếu có nhu cầu tư vấn, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040