Câu chuyện tiền bạc luôn là câu chuyện khó nói, khách hàng lựa chọn dịch vụ pháp lý luôn thắc mắc về thù lao Luật sư. Tuy nhiên, để đưa ra mức phí phù hợp các Công ty Luật đã cân nhắc, tính toán dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau.
Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN sẽ phân tích những căn cứ để hình thành chi phí dịch vụ Luật sư.
1. Quy định của pháp luật về phương thức tính phí Dịch vụ pháp lý Luật sư.
Công ty Luật ở Việt Nam thường hoạt động như một Doanh nghiệp tư nhân nên muốn hoạt động, vận hành trơn tru, đều đặn thì Luật sư Trưởng trước hết phải đầu tư vốn tự có dựa trên quá trình tích lũy tài sản của mình, bỏ ra nhiều chi phí như: Tiền thuê văn phòng, tiền điện nước, tiền điện thoại, internet, tiền xăng xe, tiền lương cho nhân viên, tiền khấu hao tài sản cố định, chi phí tiếp khách, quan hệ xã hội…Những khoản chi phí này đương nhiên sẽ được cân đối để tính vào thù lao của Luật sư.
Khách hàng phải trả thù lao khi sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư. Để tính thù lao, Điều 55 của Luật Luật sư đã quy định những căn cứ và phương thức tính thù lao sau đây:
– Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý.
– Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý.
– Kinh nghiệm và uy tín của luật sư.
Và các phương thức để tính phí Luật sư như sau:
– Tính theo Giờ làm việc của luật sư. Ví dụ: Phí Dịch vụ tư vấn Luật sư: 500.000đ/giờ.
– Vụ, việc với mức thù lao trọn gói. Ví dụ: Tham gia bào chữa cho bị cáo ở giai đoạn xét xử sơ thẩm: 20.000.000 đồng.
– Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án. Ví dụ: Nhận tư vấn, thực hiện tất cả các dịch vụ pháp lý kể cả tham gia phiên tòa và giai đoạn thi hành án liên quan đến việc xử lý công nợ của Doanh nghiệp với mức phí: 10% trên tổng số tiền công nợ thực nhận.
– Hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định. Ví dụ: Hợp đồng tư vấn thường xuyên cho Doanh nghiệp loại vừa và nhỏ với mức phí: 25.000.000 đồng/tháng.
Theo quy định, mức thù lao sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Các bên có thể thỏa thuận tiền tàu xe, máy bay, lưu trú và các chi phí khác cho việc thực hiện dịch vụ pháp lý của Luật sư bao gồm trong chi phí Luật sư hoặc khách hàng sẽ thanh toán dựa trên hóa đơn mà Luật sư cung cấp thành một khoản riêng không nằm trong thù lao luật sư.
2. Luật sư nên đưa ra mức thù lao bao nhiêu là phù hợp?
Công ty Luật khi đưa ra bản phí Dịch vụ pháp lý của Luật sư nên cân nhắc, không đưa ra mức phí quá cao so với mặt bằng chung, đời sống kinh tế của người dân hoặc mức phí cao hơn so với giá trị thực và dịch vụ mà mình mang lại cho khách hàng; cao hơn so với tính chất, mức độ vụ việc cũng như khả năng chuyên môn của mình. Bởi lẽ, khi khách hàng bỏ ra mức phí quá cao nhưng nhận lại kết quả không như mong đợi, hoặc chi phí vượt quá khả năng chi trả của khách hàng sẽ dẫn đến sự nghi ngờ thậm chí sẽ có mâu thuẫn, tranh chấp với Luật sư về việc thanh toán phí dịch vụ luật sư.
Công ty Luật cũng không thể đưa ra mức phí quá thấp, hay còn gọi là “phá giá” để thu hút khách hàng, thậm chí còn đưa ra những lời mời chào “Miễn phí” để khách hàng tìm đến với mình. Rồi từ đó tìm cách thu lại bằng những khoản phụ phí, để rồi những khoản phụ phí cộng dồn lại cao hơn hẳn so với mức phí theo mặt bằng chung. Trường hợp này rõ ràng là có dấu hiệu lừa dối khách hàng, vì mục đích có khách hàng, mục đích lợi nhuận mà vi phạm “đạo đức Luật sư”. Chính việc làm này sẽ làm hạ thấp vai trò và uy tín của không chỉ riêng cá nhân trưởng văn phòng Luật sư mà cả nghề Luật sư nói chung.
Nhiều khách hàng thường tìm kiếm mức phí Luật sư trên các trang Web rồi đánh giá mức phí dịch vụ pháp lý của Công ty Luật này đưa ra là “mắc” hoặc “rẻ”. Thực ra, cách đánh giá này có phần không đúng. Vì Công ty Luật có Uy tín không phải là Công ty Luật đưa ra mức phí ngang bằng với mức phí bình quân của các Công ty Luật/Văn phòng Luật sư khác trên thị trường mà là Công ty Luật đưa ra mức phí phù hợp giá trị mà Luật sư mang lại cho khách hàng, phù hợp với kinh nghiệm nghề nghiệp, phù hợp với tình tiết vụ kiện (phức tạp hay đơn giản), phù hợp với Công sức và “chất xám” mà Luật sư bỏ ra.
Luật sư có “Tâm” là Luật sư nhìn nhận khách hàng của mình là đối tượng nào: Doanh nghiệp, Doanh nhân, người nước ngoài, tầng lớp trí thức, người làm chủ hay người làm thuê, nông dân hay người nghèo để đưa ra mức phí theo quy định hoặc giảm phí thậm chí miễn phí nếu khách hàng là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật hay người đang bị khiếm khuyết. Khi hoạt động với tư cách là một tổ chức hành nghề Luật sư thì ngoài việc đảm bảo chi phí để Công ty Luật tồn tại thì Luật sư vẫn có một sứ mệnh là bảo vệ công lý, bảo vệ công bằng xã hội. Do vậy, có những trường hợp khách hàng cho rằng mình hiện tại không có tiền để trả cho Luật sư thì đừng nên vội vàng từ chối mà hãy lắng nghe khách hàng trình bày để hiểu hoàn cảnh của họ, hiểu được tình trạng pháp lý mà họ vướng phải. Có những vụ án mà bằng niềm tin nội tâm của Luật sư hành nghề lâu năm, Luật sư biết được nếu có sự trợ giúp của mình họ sẽ lấy lại được công bằng, được giải oan. Đôi khi niềm vui của những Luật sư không phải là những vụ án lớn và thù lao ngoài mong đợi mà còn có những khoảnh khắc giúp đỡ người khác thoát khỏi sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm của những người thực thi pháp luật.
3. Làm cách nào khách hàng biết được mức phí Luật sư đưa ra là phù hợp?
Công ty Luật HT Legal VN khi báo phí cho khách hàng sẽ trao đổi thẳng thắn, công khai, thậm chí sẽ giải thích lý do vì sao mức phí khách hàng phải trả là như vậy. Đây là tiêu chí hoạt động của HT Legal VN, bởi vì khách hàng là người đầu tiên nên biết những khoản tiền mà mình phải trả xuất phát từ đâu.
Thứ nhất, khách hàng cần phân biệt mức phí mà mình yêu cầu Luật sư Trưởng của Công ty trực tiếp cung cấp sẽ khác Luật sư công ty, Luật sư cộng tác. Dịch vụ pháp lý do Luật sư trực tiếp thực hiện sẽ khác dịch vụ pháp lý do chuyên viên pháp lý thực hiện. Ví dụ: Nhiều khách hàng tìm đến dịch vụ vì giá rẻ hơn, nhưng Văn phòng luật sư sau khi nhận vụ việc lại giao cho nhân viên tư vấn mà không biết được nhân viên đó tư vấn như thế nào.
Thứ hai, không giống Văn phòng Luật sư khác là giao khoán hoàn toàn vụ việc cho 01 Luật sư mà bất cứ vụ việc nào mà HT Legal VN nhận ký hợp đồng đều được thông qua một quy trình pháp lý chặt chẽ, tham vấn ý kiến ý kiến của nhiều Luật sư thành viên cùng Luật sư Trưởng trước khi tiến hành mỗi công việc cụ thể. Nguyên tắc làm việc tập thể luôn được đặt lên hàng đầu, mỗi văn bản được phát hành sẽ qua nhiều khâu kiểm duyệt đảm bảo độ chính xác, tỉ mỉ cao.
Thứ ba, thù lao được đưa ra căn cứ trên kinh nghiệm, độ uy tín của Luật sư nên không thể so sánh chung chung. Mức thù lao đưa ra cũng sẽ căn cứ vào khối lượng công việc mà Luật sư phải làm, lịch trình, thời gian, công sức đầu tư vào dài hay ngắn, có vụ án điều tra đi điều tra lại, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm nhiều lần do phức tạp và phát sinh nhiều yếu tố, kéo dài không chỉ 1 năm mà thậm chí 10 năm, số lượng bị cáo, bị hại trong vụ án, mức độ ảnh hưởng dư luận xã hội.v.v. Luật sư tham gia một giai đoạn sẽ khác phí tham gia nhiều giai đoạn. Ví dụ: Luật sư tham gia bào chữa ở giai đoạn điều tra hoặc giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc giai đoạn xét xử phúc thẩm đều có mức phí khác nhau. Luật sư tham gia ở giai đoạn điều tra phải đi gặp bị can/bị cáo, thu thập chứng cứ tài liệu, tham gia lấy lời khai của bị cáo, gặp người bị hại, người làm chứng, làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên Luật sư tham gia bào chữa ở giai đoạn phúc thẩm thì sẽ ít công việc hơn như hướng dẫn làm đơn kháng cáo, thu thập tình tiết giảm nhẹ, chuẩn bị bản luận cứ bào chữa.
Việc rõ ràng, thẳng thắng và minh bạch về chi phí luật sư cũng như căn cứ tính chi phí Luật sư với khách hàng sẽ tránh được việc khách hàng và Luật sư xảy ra tranh chấp trong việc trả phí. Đây là điều không mong muốn của cả 2 bên vì khi xảy ra sẽ ảnh hưởng đến Uy tín của Luật sư do đó trường hợp khách hàng có khiếu nại về chi phí thì Công ty Luật sẽ nhanh chóng giải quyết trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, nếu công việc đã hoàn thành thì sẽ giải thích cho khách hàng hiểu; còn công việc chưa hoàn thành sẽ căn cứ vào nhiều công việc Luật sư đã làm và trừ lại một phần chi phí mà Luật sư đã bỏ ra để hoàn lại tiền cho khách hàng.
Trên đây là quan điểm của Công ty Luật HT Legal VN về thù lao của luật sư – bao nhiêu là phù hợp. Để được tư vấn rõ hơn về nội dung này và các vấn đề pháp lý khác có liên quan, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040