Nếu như trong thi hành án Dân sự, thi hành án Hình sự: pháp luật quy định cơ chế một chủ thể thứ ba được Nhà nước giao trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án (cơ quan THADS, cơ quan thi hành án hình sự), thì Thi hành án Hành chính được thực hiện theo cơ chế “tự thi hành” của người phải thi hành án.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH VÀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN (LUẬT SƯ TRANH TỤNG TẠI TP HỒ CHÍ MINH)
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH VÀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN
(LUẬT SƯ TRANH TỤNG TẠI TP HỒ CHÍ MINH)
Thông qua bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN sẽ giúp Quý khách hàng nắm vững các quy định trình tự, thủ tục thi hành bản án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Toà án.
I. Cơ sở pháp lý
– Luật Tố tụng Hành chính 2015;
– Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính Phủ quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành bản án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Toà án (Nghị định 71/2016/NĐ-CP)
II. Nội dung
1. Thi hành án hành chính là gì?
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 Nghị định 71/2016/NĐ-CP quy định như sau:
“Thi hành án hành chính là việc thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành quy định tại Điều 309 Luật tố tụng hành chính, trừ quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính.”
Theo đó, cũng giống như thi hành án nói chung, thi hành án hành chính (THAHC) là quá trình hiện thực hóa các phán quyết của Tòa trên thực tế cuộc sống.
Tuy nhiên, không phải mọi phán quyết trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đều được điều chỉnh bởi pháp Luật Tố tụng hành chính, vì những phán quyết về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thi hành án dân sự và được tổ chức thực hiện theo quy trình THADS. Vì vậy, việc phân định nội dung các phán quyết của Tòa án để lựa chọn pháp luật điều chỉnh là công việc quan trọng đối với các cơ quan THADS.
2. Thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính
a. Tự nguyện thi hành án
– Người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành bản án, quyết định của Toà án trong thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 311 Luật tố tụng Hành chính
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án quy định tại Khoản 2 Điều 311 Luật tố tụng Hành chính, cơ quan phải thi hành án phải thông báo bằng văn bản tình hình, kết quả thi hành án cho Toà án đã xét xử sơ thẩm, Viện Kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Toà án đã xét xử sơ thẩm, đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp (Áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án là cơ quan nhà nước, tuy nhiên pháp luật không quy định rõ trường hợp người phải thi hành án là cá nhân, tổ chức không thuộc cơ quan nhà nức thì có phải thực hiện nghĩa vụ thông báo này không?)
b. Yêu cầu ra quyết định buộc thi hành án hành chính khi hết hạn tự nguyện thi hành án
– Khi hết hạn tự nguyện thi hành án quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 311 Luật tố tụng hành chính mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền đề nghị Toà án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án hành chính.
c. Thi hành bản án, quyết định của Toà án khi có quyết định buộc thi hành án hành chính
– Khi nhận được quyết định buộc thi hành bản án hành chính, người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định bản án
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định được thi hành xong, cơ quan phải thi hành án thông báo kết quả cho Toà án đã xét xử sơ thẩm, Viện Kiểm Sát và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Toà án đã xét xử sơ thâmt, đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp
Như vậy:
– Nếu như trong thi hành án Dân sự, thi hành án Hình sự: pháp luật quy định cơ chế một chủ thể thứ ba được Nhà nước giao trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án (cơ quan THADS, cơ quan thi hành án hình sự), thì
– Thi hành án Hành chính được thực hiện theo cơ chế “tự thi hành” của người phải thi hành án. Theo đó:
(1) Người phải thi hành án (thường là các cơ quan nhà nước) có trách nhiệm (tự mình) nghiêm chỉnh chấp hành các nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa.
(2) Trường hợp người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ tự nguyện thi hành án thì Tòa án đã ra phán quyết về vụ án hành chính có thẩm quyền ra quyết định buộc THAHC.
“Cơ quan THA Dân sự” tham gia vào quá trình này với vai trò là cơ quan theo dõi thi hành án Hành chính. Thủ trưởng trực tiếp và Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án (trong trường hợp là CQNN) có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc người phải thi hành án chấp hành án và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của Tòa án.
Từ khái niệm thi hành án hành chính nêu trên, chúng ta có thể hiểu theo dõi thi hành án hành chính là việc cơ quan THADS chủ động nắm thông tin và cập nhật về tình hình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, trên cơ sở đó đề nghị người phải thi hành án chấp hành nghiêm bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp bảo đảm thực thi bản án, quyết định của Tòa án trên thực tế.
3. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo dõi thi hành án hành chính
– Về thẩm quyền theo dõi thi hành án hành chính: Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, cơ quan THADS có thẩm quyền theo dõi THAHC đối với các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà Tòa án cùng cấp trên địa bàn đã xét xử sơ thẩm.
– Về thời điểm phát sinh trách nhiệm theo dõi THAHC: Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định: “Khi tiếp nhận bản án, quyết định, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định…phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc THAHC”.
Theo đó, trách nhiệm theo dõi THAHC của cơ quan THADS phát sinh khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Đây là điểm mới khác biệt của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 so với Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (Luật TTHC năm 2010 quy định trách nhiệm đôn đốc THAHC của cơ quan THADS phát sinh khi nhận được đơn đề nghị đôn đốc của người được thi hành án).
Theo đó, về nguyên tắc, cơ quan THADS có trách nhiệm theo dõi 100% bản án, quyết định về vụ án hành chính của Tòa án cùng cấp trên địa bàn đã xét xử sơ thẩm. Vì vậy, để thực hiện tốt chức năng theo dõi THAHC, đòi hỏi các cơ quan THADS cần phối hợp tốt trong việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính để theo dõi theo quy định.
– Các bước thực hiện theo dõi THAHC của cơ quan THADS: Căn cứ Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, việc thực hiện theo dõi THAHC của cơ quan THADS được thực hiện theo các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Tiếp nhận, kiểm tra, vào sổ bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính và phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc THAHC (Khoản 1, 2 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP).
Bước 2: Ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án (Khoản 2 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP).
Hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không chấp hành hoặc chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, cơ quan THADS có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án (Khoản 5 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP).
Bước 3: Trong trường hợp vụ việc có Quyết định buộc THAHC của Tòa án, cơ quan THADS thực hiện:
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc THAHC, Chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án (Khoản 3 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP);
– Có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án không chấp hành hoặc chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật TTHC và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP (Khoản 5 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP);
– Gửi hoặc đăng tải công khai Quyết định buộc THAHC trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ trong trường hợp người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chấm dứt công khai thông tin trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thi hành xong (Điều 30 Nghị định 71/2016/NĐ-CP);
– Ngoài ra, trong từng trường hợp THAHC cụ thể, cơ quan THADS có quyền triệu tập các bên đương sự để lập biên bản về việc không thi hành bản án, quyết định tuyên hủy quyết định buộc thôi việc (khoản 2 Điều 17 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP); lập biên bản về việc không thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án.
Bước 4: Cập nhật thông tin tình hình THAHC vào hồ theo dõi THAHC và báo cáo đột xuất hoặc định kỳ tình hình theo dõi THAHC theo quy định hoặc theo yêu cầu.
Trong quá trình thực hiện theo dõi THAHC nêu trên, cơ quan THADS có quyền:
(1) Yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ, đính chính sai sót trong bản án, quyết định để thi hành;
(2) Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật (khoản 6 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP;
(3)Yêu cầu người được thi hành án, người phải thi hành án, Thủ trường trực tiếp của người phải thi hành án cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan về quá trình và kết quả thi hành án (Khoản 4 Điều 14 Nghị định 71/2016/NĐ-CP).
4. Thi hành án hành chính trong các trường hợp cụ thể
– Thi hành bản án, quyết định của Toà án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện
– Thi hành bản án, quyết định của Toà án đã huỷ bỏ toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý việc cạnh tranh
– Thi hành bản án, quyết định của Toà án đã huỷ quyết định kỷ luật buộc thôi việc
– Thi hành bản án, quyết định của Toà án về hành vi hành chính
– Thi hành bản án, quyết định buộc sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
5. Xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính
Theo quy định của pháp luật, tuỳ theo mức độ trách nhiệm mà có những cách thức xử lý vi phạm khác nhau.
5.1 Đối với công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25 và 26 Nghị định này.
Các hình thức xử lý:
(i) Khiển trách
(ii) Cảnh cáo
(iii) Hạ bậc lương
(iv) Giáng chức
(v) Cách chức
(vi) Buộc thôi việc
5.2 Đối với người nào có hành vi không thi hành án, không chấp hành bản án, cố ý cản trở việc thi hành có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
5.3 Đối với người phải thi hành án trong quá trình thi hành án mà gây ra thiệt hại thì phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, pháp luật về dân sự
Ngoài ra còn các biện pháp xử lý khác như:
+ Công khai thông tin về việc không chấp hành án: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, Cục Thi hành án dân sự tổ chức công khai quyết định buộc thi hành án hành chính bằng hình thức đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục thi hành án dân sự đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền theo dõi của Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc; đồng thời tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư Pháp và Cổng thông tin điện tử Chính phủ đối với các vụ việc người phải thi hành án là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
+ Xem xét đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính: Cơ quan, người có thẩm quyền không xét thi đua, khen thưởng không đánh giá, phân loại ở mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính
Trên đây là nội dung chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về “Quy định trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành án bản án, quyết định của Toà án”.
Hy vọng rằng những thông tin chia sẻ góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm và quyền hạn trong quá trình thi hành án hành chính, đồng thời tăng cường sự công bằng và minh bạch trong hệ thống pháp luật.
Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:
Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 2222 4040