TỪ NGÀY 01/7/2024, KHÔNG CÒN PHÂN BIỆT VỢ CÓ THAI, SINH CON VỚI AI, CHỒNG KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN YÊU CẦU TOÀ ÁN GIẢI QUYẾT LY HÔN
(LUẬT SƯ TRANH TỤNG TẠI TP HỒ CHÍ MINH)
Hiện nay, trong quan hệ hôn nhân, quyền ly hôn là quyền nhân thân và là quyền dân sự cơ bản của con người. Tuy nhiên, như việc kết hôn phải thông qua thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc ly hôn cũng phải thông qua thủ tục giải quyết ly hôn tại Toà án nhằm bảo đảm sự quản lý của Nhà nước đối với xã hội trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Tuy là quyền nhân thân và cơ bản của vợ, chồng nhưng để bảo đảm về mặt tâm sinh lý của người vợ, người mẹ, pháp luật có những hạn chế nhất định đối với quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn của người chồng. Vậy đó là những trường hợp nào?
Bài viết sau đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin chia sẻ một số quy định mới của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thêm về vấn đề hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong những trường hợp đặc biệt được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
I. Cơ sở pháp lý
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014 số 52/2014/QH13;
– Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP do Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành ngày 16/5/2024 Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về Hôn nhân và gia đình (Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP)
(Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024)
II. Nội dung
Việc hạn chế quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của người chồng được quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:
“Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Quy định này có thể gây nhiều hướng hiểu khác nhau vì không nêu rõ liệu có bắt buộc phải là con chung của vợ chồng hay không hoặc chỉ được hiểu đơn giản là con hợp pháp trong quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng.
Do đó, ngày 16/5/2024 Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn quy định trên. Căn cứ khoản 4 Điều 2 Nghị Quyết số 01/2024/NQ-HĐTP quy định:
“Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.”
Theo đó:
– “Đang có thai” là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén (Đình chỉ thai nghén là việc chấm dứt thai kì trước khi thai phụ sinh nở như: sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý…).
– “Sinh con” là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
-
Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi;
-
Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con;
-
Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.
Như vậy, trong khoảng thời gian người vợ đang có thai và khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày người vợ sinh con thuộc một trong những trường hợp nêu trên không phân biệt có con với ai, người chồng không được quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn.
Với việc hướng dẫn quy định như trên có thể gây tranh cãi và phía những người chồng khi rơi vào trường hợp người vợ của mình có thai, sinh con của người khác có thể cảm thấy bất công. Tuy nhiên, lưu ý rằng, luật chỉ hạn chế quyền được yêu cầu xin ly hôn của người chồng khi vợ đang có thai, sinh con trong khoản thời gian nêu trên mà không hạn chế quyền ly hôn của họ khi đã hết thời hạn này.
Pháp luật tuy hà khắc, nghiêm minh nhưng luôn mang tính nhân đạo, việc quy định không cho phép người chồng ly hôn trong khoảng thời gian này là để bảo vệ người mẹ và trẻ em vì đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm, tác động không nhỏ đến người mang thai, sinh con. Khi mà xã hội ngày càng phát triển, tâm lý học trở thành một ngành khoa học để nghiên cứu và học tập chứng tỏ nó có ảnh hưởng rất lớn lớn đến tâm lý và hành vi của con người. Đặc biệt đối với người phụ nữ trong khoảng thời gian nêu trên, dù bản thân họ có lỗi do mang thai với người khác, các nhà làm luật vẫn mong muốn bảo vệ, giảm tối đa các tác động tiêu cực đến tâm sinh lý người phụ nữ trong giai đoạn nhạy cảm này. Đồng thời giảm tối đa tác động đến tâm sinh lý của trẻ nhỏ, thậm chí là bào thai cũng có thể bị ảnh hưởng nếu tâm sinh lý của người mẹ không được ổn định.
Ngoài ra không chỉ hạn chế quyền ly hôn trong những trường hợp người vợ đang có thai, sinh con nêu trên, pháp luật còn hạn chế quyền ly hôn của người chồng khi:
– Vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.
– Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau:
+ Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
+ Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Tất cả các quy định trên đều hướng đến mục đích bảo vệ tâm lý người mẹ trong giai đoạn mang thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi vì thực tế hiện nay đã ghi nhận rất nhiều trường hợp người mẹ do tâm lý không ổn định mà có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực cho bản thân họ, thậm chí là bào thai hay đứa trẻ mới sinh ra. Ngoài ra, khoảng thời gian hạn chế quyền ly hôn của người chồng nêu trên có thể phần nào giúp bình ổn tâm lý của họ, để họ có thời gian bình tĩnh suy nghĩ lại, đưa ra những quyết định họ cho là phù hợp nhất mà không phải do sự nóng giận, mất kiểm soát quyết định.
Lưu ý: Những quy định trên đây chỉ hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng nhưng không hạn chế quyền ly hôn từ phía người vợ. Do đó, nếu rơi vào một trong những trường hợp nêu trên mà người vợ có yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn thì Toà án vẫn thụ lý và tiến hành giải quyết như bình thường.
Trên đây là những chia sẻ pháp lý của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong một số trường hợp đặc biệt theo hướng dẫn mới nhất củ Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Cảm ơn Quý bạn đọc đã quan tâm và theo dõi.
Để được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ:
Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040