VỤ VIỆC KHÁCH HÀNG A DÙNG THẺ TÍN DỤNG DƯ NỢ 8,5 TRIỆU ĐỒNG, SAU 11 NĂM SỐ TIỀN GỐC VÀ LÃI LÊN ĐẾN 8,8 TỶ ĐỒNG. LUẬT SƯ HT LEGAL VN CÓ Ý KIẾN THẾ NÀO? (LUẬT SƯ TRANH TỤNG TẠI TP HỒ CHÍ MINH)

80 lượt xem
5
(3)

Vụ việc: Khách hàng A dùng thẻ tín dụng dư nợ 8.500.000 đồng vào năm 2013. Sau 11 năm quên trả, số tiền gốc và lãi đã lên thành 8,8 tỷ tại Ngân hàng Eximbank.

I. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Dân sự 2015;

– Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

– Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

II. Nội dung

Trong thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến sự việc có liên quan đến quan hệ vay nợ, mở thẻ tín dụng như sau: Sự việc xuất phát từ phía Công ty Quản lý và khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) gửi công văn nhắc nợ đến khách hàng số tiền từ 8,5 triệu gốc thành 8,8 tỉ đồng gây bão dư luận ngày 14/3/2024.

Theo đó, quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 về nghĩa vụ trở nợ của bên vay như sau: Khách hàng vay tiền tín dụng khi đến hạn thanh toán nợ theo thỏa thuận đối với hợp đồng vay thì bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ, nếu quá hạn phải trả lãi theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp khách hàng có khoản nợ mà quá hạn không trả và phía Ngân hàng đã ra văn bản thông báo cho khách hàng về số dư nợ gốc quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dự nợ gốc quá hạn thì Ngân hàng có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu KH thanh toán khoản vay và mức lãi suất được tính theo đúng quy định pháp luật.

Quay trở lại sự việc, xuất hiện hai luồng quan điểm mâu thuẫn từ phía ngân hàng Eximbank và phía khách hàng như sau:

Eximbank cho biết: “khách hàng P.H.A. mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng. Sau đó đã phát sinh hai giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận thẻ. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã chuyển thành nợ xấu, quá hạn phát sinh đến thời điểm ngân hàng ra thông báo nêu trên là gần 11 năm. Trong suốt 11 năm qua, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ … Về phương thức tính lãi, phí, Eximbank nói “hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng. Quy định về phí, lãi được quy định rõ trong biểu phí phát hành, sử dụng thẻ cũng đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank”

Theo quan điểm của “chủ thẻ” – ông P.H.A cho rằng: “Vào tháng 3/2013, ông có nhờ nhân viên tên Giang mở thẻ tín dụng nhưng ngay sau đó không được ngân hàng cấp thẻ tín dụng vì lương quá thấp. Sau đó, năm 2017 phát hiện mình có nợ xấu và đến xác minh. Bên ngân hàng cho rằng ông A đã ký nhận thẻ nên phải chịu trách nhiệm”.

Từ hai quan điểm trên, Luật sư HT Legal VN nhận thấy các vấn đề pháp lý cần làm rõ như sau:

1. Công thức tính lãi của ngân hàng Eximbank có thật sự phù hợp với các quy định của pháp luật hay không?

2. Việc tống đạt các công văn thông báo nợ có thật sự đã đến ông A hay chưa? Ngoài ra, việc để cho một công ty quản lý tài sản không phải đơn vị phát hành thẻ thông báo nhắc nợ gặp vướng mắc gì?

3. Yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ có dấu hiệu lừa đảo trong sự việc hay không? Trách nhiệm của phía nhân viên ngân hàng trong việc cho ông A ký nhận thẻ tín dụng đến đâu?

Xét thấy, sự việc trên có tác động rất lớn đến ngành ngân hàng nói chung, và đặc biệt là phía ngân hàng Eximbank riêng. Khi đó, Eximbank phải đối diện với làn sóng đòi tẩy chay, gây mất uy tín lớn đối với khách hàng đã và đang sử dụng thẻ tín dụng từ phía ngân hàng.

Đồng thời uy tín mà ngành ngân hàng xây dựng lâu nay bị ảnh hưởng đáng kể. Lợi nhuận thu được từ việc phát hành thẻ tín dụng của ngân hàng chiếm tỉ trọng không nhỏ đối với hoạt động của ngân hàng, sự việc trên khiến khách hàng chưa rõ thật hư câu chuyện phát sinh tâm lý dè chừng trong việc mở thẻ tín dụng đối với tổ chức tín dụng nói chung và Eximbank nói riêng. Trên cơ sở pháp luật, phía luật sư HT Legal VN giải đáp một số thắc mắc của quý khách hàng như sau:

Thứ nhất, về cách tính lãi đúng chuẩn theo Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì: “Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa….. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

– Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

– Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.”

Như vậy, với số tiền từ 8,5tr sau 11 năm tăng nợ lên gần 8,8 tỷ đồng, nếu chia ra thì mỗi năm phía khách hàng phải trả hơn 818 triệu đồng bao gồm cả gốc và lãi, vượt quá 20%/năm theo quy định, và có dấu hiệu cho vay nặng lãi. Trường hợp này cho thấy phía Ngân hàng Eximbank đang áp dụng lãi suất kép, cộng gộp, nhập lãi vào gốc, thường gọi là “lãi mẹ đẻ lãi con”, tính theo từng tháng, nên việc nhảy từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ đồng với lãi suất nợ quá hạn khoảng 70%/năm. Thông thường, các ngân hàng chỉ tính lãi kép đối với các khoản tiền huy động vốn hoặc đầu tư chứ không áp dụng đối với thẻ tín dụng. Như vậy, ngân hàng Exinbank tính lãi không đúng.

Thứ hai, việc tống đạt thông báo nợ đến khách hàng. Thẻ tín dụng thường có giá trị 2 đến 3 năm, thời hạn có giá trị sử dụng được in trên thẻ, mỗi lần thẻ hết hạn, khách hàng cần thỏa thuận với ngân hàng gia hạn hợp đồng thẻ tín dụng và ngân hàng phát hành thẻ tín dụng mới. Nếu khách hàng không gia hạn thẻ tín dụng, coi như hợp đồng thẻ chấm dứt, lúc này ngân hàng sẽ chốt số tiền khách hàng cần trả bao gồm: lãi và các chi phí phát sinh đến khách hàng và nói rõ thời hạn trả nợ, trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng hạn thì khoản nợ sẽ trở thành nợ quá hạn. Đồng thời, cần gửi thông báo nợ đến khách hàng. Việc ngân hàng cho rằng gửi thông báo nhắc nợ định kỳ đến khách hàng trong khi khách hàng khẳng định không nhận được thông báo này thì cần xem xét lại trách nhiệm của mỗi bên.

Mặt khác, đơn vị thông báo nhắc nợ đối với phía khách hàng là công ty (Eximbank AMC) – không phải đơn vị trực tiếp mở thẻ cho khách hàng. Do đó việc xác minh tính chính xác thông tin của khách hàng còn nhiều uẩn khúc. Do cách tính lãi của ngân hàng Eximbank có vấn đề hay việc ủy quyền cho một công ty AMC dẫn đến sai sót trong việc thông tin đến khách hàng.

Thứ ba, tính hiệu lực của hợp đồng thẻ tín dụng. Cơ quan nhà nước, phía ngân hàng cần làm rõ hai luồng thông tin khác nhau giữa khách hàng và ngân hàng cung cấp như nêu trên. Trong trường hợp có dấu hiệu lừa đảo từ phía nhân viên ngân hàng thì ngân hàng phải hoàn toàn tìm cách truy thu lại số tiền trên. Trường hợp khách hàng đã thực sự sử dụng số tiền đó thì cần áp dụng phương pháp tính lãi đúng theo quy định nhà nước.

Từ những vấn đề trên, Luật sư HT Legal VN mong muốn quý ngân hàng xem xét lại quy trình xử lý nợ như sau: thông tin khách hàng phải được nhất quán từ đơn vị chủ quản đến bộ phận phát hành thẻ và bộ phận trực tiếp xử lý nợ. Đồng thời, về phía pháp luật cũng cần có chế tài đối với các tổ chức tín dụng áp dụng việc tính lãi sai để người sử dụng thẻ có niềm tin vào các dịch vụ tiện ích của ngân hàng.

Hiện nay, không thể phủ nhận được vai trò của thẻ tín dụng đối với khách hàng về những tiện ích của nó. Tuy nhiên, khách hàng cần hiểu rõ những lợi ích và những rủi ro pháp lý mà mình có thể sẽ gặp phải. Luật sư HT Legal VN gửi đến quý khách hàng đang sử dụng thẻ tín dụng hiện nay như sau:

Thứ nhất: Muốn biết mình có đang quên thanh toán hay nợ xấu ở ngân hàng thì có thể kiểm tra tại đường dẫn của trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam CIC hoặc ứng dụng ICIC để tự kiểm tra trên di động của mình từ đó sẽ là biện pháp giúp chúng ta xử lý kịp thời tránh những rủi ro không đáng có để thẻ tín dụng thực sự là một công cụ tài chính hiệu quả và tăng xếp hạng tín dụng của bản thân với hệ thống ngân hàng.

Thứ hai: Việc chấm điểm tín dụng của khách hàng, được lưu trên hệ thống và gây khó khăn trong việc xin cấp một khoản tín dụng mới vì vậy cần thanh toán đúng hạn, thanh toán đầy đủ số tiền đến hạn để tránh phí trễ hạn và giữ mức tín dụng của bạn ổn định. Nếu không thể thanh toán đầy đủ, hãy cố gắng thanh toán ít nhất số tiền tối thiểu để tránh phí phạt.

Thứ ba: Kiểm tra trực tuyến hoặc qua ứng dụng di động của ngân hàng để theo dõi giao dịch trên thẻ tín dụng hàng ngày hoặc hàng tuần. Báo cáo ngay lập tức bất kỳ giao dịch nghi ngờ hoặc không như mong đợi nào cho ngân hàng.

Thứ tư: Cần chọn hạn mức tín dụng phù hợp: Hạn mức tín dụng nên được đặt ở mức phù hợp với việc chi tiêu hàng tháng của bạn để bạn có thể sử dụng Thẻ thoải mái hơn. Nếu bạn cần thêm một chút linh hoạt và biết mình đủ khả năng chi trả, bạn có thể yêu cầu ngân hàng nâng hạn mức tín dụng. Mặt khác, bạn cũng có thể yêu cầu giảm hạn mức tín dụng của thẻ xuống trong trường hợp bạn lo lắng mình có thể rơi vào tình trạng bội chi.

Thứ năm: Một trong những lưu ý quan trọng mà người dùng thẻ tín dụng thường không để ý đó là giữ lại những giấy tờ liên quan. Chúng sẽ rất cần thiết để bạn có thể đối chiếu thông tin khi cần. Những loại giấy tờ mà bạn cần phải cất giữ cẩn thận gồm: Giấy tờ chứa thông tin thẻ, Giấy tờ thanh toán trả nợ thẻ tín dụng, Giấy tờ, hóa đơn thanh toán chi tiêu.

Thứ sáu: Không cung cấp số thẻ tín dụng cho người khác, bạn có thể vô tình đã tạo cơ hội cho kẻ gian đánh cấp thông tin và thực hiện giao dịch bất chính. Vì vậy, số thẻ tín dụng cần phải bảo mật cẩn thận.

Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN, trường hợp Quý khách hàng còn thắc mắc hoặc cần liên hệ hỗ trợ thì vui lòng liên hệ:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q. Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: 5 Ngách 252/115 Tây Sơn, P. Trung Liệt, Q. Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com Hotline: 0961614040 – 0922224040 – 0945174040

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 3

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon