Nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam những năm gần đây có tốc độ phát triển nhanh và vẫn tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh khi cá nhân và tổ chức đã thích nghi với hình thức mua bán trên các nền tảng trực tuyến. Mỗi sàn giao dịch thương mại điện tử có hàng nghìn đối tác và kinh doanh đa dạng các mặt hàng tuy nhiên chính sự phát triển mạnh mẽ như vậy cũng đã kéo theo một số hệ lụy đặc biệt là nhiều quan ngại về vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc kiểm soát sản phẩm, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự mạnh mẽ là lý do chính tạo ra “kẽ hở” để các đối tượng chào bán hàng hóa vi phạm một cách công khai.
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
Luật sở hữu trí tuệ năm 2005;
Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính Phủ.
Nội dung:
1. Khái niệm về “Hàng giả”
Căn cứ tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về “Hàng giả” gồm:
“a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.”
Theo Luật sở hữu trí tuệ 2005 cụ thể Điều 213 quy định về hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ bao gồm: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) và hàng hóa sao chép lậu. Trong đó, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là “hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.”, hàng hóa sao chép lậu là “bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan”.
Từ những quy định trên, một sản phẩm là “Hàng giả” có một trong các dấu hiệu được quy định ở trên . Theo đó, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, thuật ngữ “Hàng nhái” không được pháp luật định nghĩa mà chỉ dùng để chỉ là sản phẩm đang lưu thông trên thị trường không phải là sản phẩm chính thống do nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chính đưa ra thị trường.
2. Hành vi lợi dụng sàn thương mại điện tử kinh doanh hàng giả.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng giả bằng cách lợi dụng sàn thương mại điện tử quy định tại Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 và Điều 2 Nghị định 85/2021/NĐ-CP về các hành vi cấm trong hoạt động thương mại điện tử: “…Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh”. Theo đó, lợi dụng sàn thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả là một trong những hành vi bị cấm.
Bên cạnh đó, theo Khoản 4 Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử quy định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như sau: “Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.”
3. Xử lý hành vi bán hàng giả.
Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, người buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn bán hàng giả hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng hoặc hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.
– Trường hợp được xác định là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, người bán sẽ bị phạt hành chính theo Điều 9 Nghị định 98 với số tiền từ 01 – 70 triệu đồng tùy theo giá trị số hàng giả bị phát hiện tương đương với hàng thật.
– Trường hợp được xác định là hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, người bán sẽ bị phạt hành chính theo Điều 11 với tiền từ 01 – 50 triệu đồng tùy theo giá trị hàng giả tương đương với hàng thật.
Ngoài phạt tiền, người bán sẽ bị tịch thu số hàng giả bị phát hiện và bị tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, Buộc tiêu hủy tang vật, Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Nếu tổ chức vi phạm sẽ áp dụng mức phạt gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân (Điều 9 và Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).
Việc bán hàng giả cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả tại Điều 192 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Khung hình phạt đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm hoặc 15 năm tù đối với khung hình phạt tăng nặng khác.
Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu Pháp nhân thương mại như các Doanh nghiệp thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả mà đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền cao nhất đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Trên đây là một số phân tích liên quan đến việc lợi dụng sàn thương mại điện tử kinh doanh hàng giả của Công ty Luật TNHH HT Legal VN. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề khác có liên quan, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602, Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040