NHƯ THẾ NÀO LÀ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG? (LUẬT SƯ TRANH TỤNG TẠI TP HỒ CHÍ MINH)

492 lượt xem
5
(7)

NHƯ THẾ NÀO LÀ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG?

(LUẬT SƯ TRANH TỤNG TẠI TP HỒ CHÍ MINH)

Chế định về “phòng vệ chính đáng” là một trong những chế định quan trọng trong pháp luật hình sự, do Nhà nước ban hành nhằm khuyến khích người dân chống lại những hành vi xâm phạm đến khách thể – các quan hệ xã hội bị xâm phạm mà các quan hệ xã hội đó được pháp luật Hình sự bảo vệ, ngăn chặn hoặc hạn chế thiệt hại mà hành vi đó có thể gây ra.

Thông qua bài viết này, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin cung cấp tới Quý khách hàng một số quy định liên quan đến phòng vệ chính đáng như sau:

I – Cơ sở pháp lý

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

II – Nội dung

1. Định nghĩa về phòng vệ chính đáng 

Phòng vệ chính đáng được định nghĩa tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

“Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của (1)mình, của (2)người khác hoặc (3)lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”

2. Bản chất của hành vi phòng vệ chính đáng

Bản chất của hành vi phòng vệ chính đáng là hành vi nhằm bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng một cách hợp pháp của bản thân, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức nên đã gây ra thiệt hại cho người có hành vi xâm phạm. Chính vì vậy, người có hành vi phòng vệ chính đáng được miễn trách nhiệm hình sự khi không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

3. Điều kiện của hành vi phòng vệ chính đáng

Để tránh những trường hợp lợi dụng việc phòng vệ chính đáng nhằm mục đích thực hiện hành vi phạm tội, Bộ luật Hình sự quy định chặt chẽ các điều kiện củа chế định phòng vệ chính đáng. Theo đó, một hành vi được xem là phòng vệ chính đáng phải đáp ứng đủ điều kiện sau:

– Thứ nhất, đáp ứng đầy đủ các điều kiện làm cơ sở phát sinh quyền phòng vệ, bao gồm:

+ Có sự tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật;

+ Sự tấn công xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác (là những quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ).

+ Sự tấn công phải đang hiện hữu, nghĩa là hành vi tấn công phải đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra ngay tức khắc.

– Thứ hai, mục đích phòng vệ là nhằm gạt bỏ sự tấn công, nghĩa là hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người đang có hành vi tấn công.

– Thứ ba, về phạm vi phòng vệ, sự phòng vệ phải trong giới hạn cần thiết để ngăn chặn sự tấn công. Sự cần thiết của hành vi phòng vệ được đánh giá dựa trên các yếu tố: tính chất của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm hại; mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra; sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công; tính chất, mức độ của phương pháp, phương tiện hay công cụ mà kẻ tấn công đã sử dụng; thời gian, địa điểm xảy ra hành vi tấn công và phòng vệ; sức mạnh và khả năng phòng vệ.

Như vậy, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm, nhưng nếu hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, trách nhiệm hình sự đối với họ sẽ được giảm nhẹ rất nhiều so với trường hợp tội phạm thông thường khác.

3. Ví dụ về phòng vệ chính đáng

Do thiếu tiền tiêu xài, vào lúc 2h sáng ngày 01/5/2024, A mang theo dao đột nhập vào nhà B trộm cắp tài sản. Phát hiện tiếng động, B thức giấc hô hoán. A hoảng sợ muốn bỏ chạy nhưng bị B cản lại tri hô mọi người. A rút con dao giấu sẵn trong túi quần đâm 03 nhát vào B. B giật được dao, chém A tổng cộng 04 nhát trúng động mạch khiến A chết ngay tại chỗ. Vậy trong trường hợp này, hành vi của B có phải phòng vệ chính đáng hay không?

Theo quan điểm của Công ty Luật TNHH HT Legal VN, hành vi của B không được xem là phòng vệ chính đáng. Như đã phân tích ở trên, một hành vi để được xem là phòng vệ chính đáng phải đáp ứng đủ các điều kiện luật định. Khi B giật được dao từ A thì tình huống nguy hiểm đã không còn, do đó, hành vi chém A 04 nhát trúng động mạch rõ ràng đã vượt quá mức cần thiết và không được xem là phòng vệ chính đáng. Trong trường hợp này, B phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình.

4. Quy định pháp luật về xử phạt đối với hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

Theo quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội như sau:

“1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.”

Trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, mức phạt được quy định tại Điều 136 BLHS như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.”

Thực tế, đã không ít những trường hợp tương tự như ví dụ trên xảy ra, biến một hành vi từ phòng vệ thành phòng vệ quá mức cần thiết và phải chịu phạt theo quy định pháp luật, một phần có thể do hành vi phạm tội đã gây kích động đến tinh thần, cảm xúc của người có hành vi phòng vệ. Tuy nhiên, bản thân họ thực sự cần giữ được sự bình tĩnh, tỉnh táo trong những tình huống này để làm chủ hành vi của mình, tránh trường hợp quá khích, trở thành bên vi phạm pháp luật. Pháp luật không thể vì phòng vệ mà cho phép họ được tuỳ ý thực hiện mọi hành vi gây nguy hiểm ngược đến tính mạng của người phạm tội, vì pháp luật có nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của con người.

Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về chế định phòng vệ chính đáng. 

Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:

Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh

VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội

Email: info@htlegalvn.com       Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 404

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 7

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon