NGƯỜI LAO ĐỘNG TỪ CHỐI ĐI CÔNG TÁC XA CÓ BỊ SA THẢI KHÔNG?
(LUẬT SƯ TRANH TỤNG TẠI TP HỒ CHÍ MINH)
Thị trường lao động hiện nay ngày càng được mở rộng, không chỉ thực hiện công việc trong phạm vi doanh nghiệp, do nhu cầu của người sử dụng lao động hoặc nhu cầu được học hỏi, nâng cao trình độ, người lao động phải thực hiện những chuyến công tác. Tuy nhiên, không phải lúc nào người lao động cũng có khả năng và mong muốn đi công tác, đặc biệt là những chuyến công tác xa nhà. Nhiều lý do như sức khỏe không ổn định, vấn đề về gia đình, lịch trình cá nhân, tình hình tài chính… có thể là những rào cản khiến người lao động từ chối đi công tác xa khi bị điều động. Vậy việc từ chối đi công tác xa có để lại hậu quả gì trong công việc của người lao động như bị sếp sa thải không?
Trong phạm vi bài viết dưới đây, Công ty Luật TNHH HT Legal VN xin cung cấp đến bạn đọc cũng như Quý khách hàng các vấn đề liên quan đến việc “Người lao động từ chối đi công tác xa có bị sa thải không?”.
I. Cơ sở pháp lý
– Bộ luật Lao động 2019 số 45/2019/QH14
– Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con
II. Nội dung
1. Người lao động có quyền từ chối đi công tác xa khi được sếp điều động không?
Trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp, người lao động cần tuân thủ theo sự phân công, giám sát của cấp trên. Khi được điều động đi công tác xa để phục vụ cho công việc, người lao động cần xem xét xem công việc phải đi công tác xa đó có được thỏa thuận trước trong hợp đồng lao động không. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định:
“3. Công việc và địa điểm làm việc được quy định như sau:
a) Công việc: những công việc mà người lao động phải thực hiện;
b) Địa điểm làm việc của người lao động: địa điểm, phạm vi người lao động làm công việc theo thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó.”
Theo quy định trên, nếu trong hợp đồng lao động đã có thỏa thuận trước về công việc phải đi công tác xa thì người lao động phải có trách nhiệm tuân theo và thực hiện đúng như thỏa thuận. Hai bên vẫn có thể thỏa thuận về việc đi công tác xa dù hợp đồng lao động chưa quy định rõ về vấn đề này.
Tuy nhiên, trường hợp hai bên không có thỏa thuận trước trong HĐLĐ, người lao động vẫn có quyền từ chối đi công tác xa. Đặc biệt nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì NSDLĐ không được yêu cầu NLĐ đi công tác xa:
– Người đang mang thai từ 07 tháng trở lên hoặc từ 06 tháng trở lên nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
– Người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, một số trường hợp được xem xét là có lý do chính đáng có thể từ chối đi công tác xa như: thiên tai, hỏa hoạn, tình trạng sức khỏe không đảm bảo… Tuy nhiên, người lao động phải chứng minh được lý do mình đưa ra là đúng sự thật.
2. Người lao động có bị sa thải vì lý do từ chối đi công tác xa không?
Điều 125 Bộ luật lao động 2019 quy định về các trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với người lao động, trong đó không có quy định về trường hợp người lao động sẽ bị kỷ luật sa thải nếu có hành vi từ chối đi công tác xa.
Tuy nhiên, trường hợp việc từ chối đi công tác xa khiến người lao động bị đánh giá là không hoàn thành công việc (lưu ý: không hoàn thành nhiệm vụ phải phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 của Bộ luật lao động: “Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”), thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải tuân thủ thời hạn báo trước theo Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
Do đó, người sử dụng lao động không có quyền kỷ luật sa thải người lao động vì lý do từ chối đi công tác xa.
Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật TNHH HT Legal VN về vấn đề “Người lao động có bị sa thải khi từ chối đi công tác xa không?”
Hân hạnh đón tiếp quý khách hàng theo địa chỉ sau:
Luật sư Nguyễn Thanh Trung hoặc CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN
VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Bên cạnh UBND phường 22)
VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
VP3: Số 5 Ngách 252/115, Phố Tây Sơn, P. Trung Liệt, quận Đống Đa, Tp. Hà Nội
Email: info@htlegalvn.com Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040