QUY ĐỊNH BẢO VỆ QUYỀN LỢI PHỤ NỮ, TRẺ EM KHI LY HÔN (LUẬT SƯ UY TÍN TẠI QUẬN BÌNH THẠNH, TÂN BÌNH TP HỒ CHÍ MINH)

111 lượt xem
5
(2)

Xuyên suốt những quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đều đan xen nhiều quy định khác nhau bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Công ty Luật HT Legal VN chỉ điểm một số quy định cốt lõi, bảo vệ quyền lợi cơ bản, tốt nhất cho phụ nữ và trẻ em và đưa ra những ví dụ đơn giản, dễ hiểu nhất minh họa nhằm đảm bảo những người không nhất thiết học Luật hoặc ở trong ngành Luật cũng có thể đọc, nắm bắt và hiểu được quyền của mình khi ly hôn.

Sau đây, Công ty Luật HT Legal VN sẽ phân tích một số quy định pháp luật cơ bản bảo vệ phụ nữ, trẻ em về việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

1. Yêu cầu ly hôn khi người mẹ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Căn cứ khoản 3 Điều 51 của Luật Hôn nhân và Gia đinh năm 2014 quy định: “3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Theo quy định trên, người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn khi vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Luật chỉ quy định “vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi” được hiểu là người vợ mang thai không nhất thiết là con của người chồng mà không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai thì người chồng cũng không có quyền yêu cầu xin ly hôn. Quy định này bảo vệ người phụ nữ mang thai và bảo vệ đứa trẻ trong bụng mẹ hoặc được sinh ra dưới 12 tháng tuổi bất kể lỗi thuộc về người mẹ hay không.

Trong trường hợp chưa thụ lý vụ án thì Toà án trả lại đơn kiện cho người nộp đơn. Trường hợp đã thụ lý vụ án thì Toà án cần giải thích cho người nộp đơn biết là họ chưa có quyền yêu cầu xin ly hôn. Nếu người nộp đơn rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu người nộp đơn không rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và quyết định bác yêu cầu xin ly hôn của họ.

Ví dụ: A và B là vợ chồng. B đang mang thai 7 tháng. A nghi ngờ B ngoại tình với C, đứa con không phải là con của mình nên A làm đơn xin ly hôn. Trong trường hợp này, A không có quyền yêu cầu ly hôn cho dù biết B không phải mang thai con của mình. A chỉ có quyền ly hôn khi B sinh con ra và khi con đủ 12 tháng tuổi.

Lưu ý: Quy định trên là quy định một chiều, có nghĩa là người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn, nhưng người vợ đang mang thai hay nuôi con dưới 12 tháng tuổi vẫn có quyền yêu cầu ly hôn.

Tại Điều 88 của Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. 2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Theo quy định trên, để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ đứa trẻ được người mẹ mang thai trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân một thời gian gần nhất định, khi một đứa trẻ sinh ra vẫn đều có cha, mẹ và cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ theo quy định của pháp luật. Khi người cha cung cấp được chứng cứ như kết quả giám định ADN nhằm chứng minh mình không phải là người cha của đứa bé thì cũng phải yêu cầu Tòa án giải quyết và Tòa án cũng sẽ trưng cầu giám định lại mới có cơ sở để không công nhận quan hệ cha – con, nhưng trước thời điểm Tòa án ban hành quyết định, văn bản chính thức thì đứa trẻ vẫn là con chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bất kể đứa trẻ thật sự là con của ai.

2. Nguyên tắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong việc chia tài sản, cấp dưỡng khi ly hôn:

2.1. Công nhận thuận tình ly hôn phải đảm bảo quyền lợi của trẻ em:

Khi Tòa án xem xét yêu cầu giải quyết việc dân sự Công nhận thuận tình ly hôn của vợ chồng thì Tòa án bắt buộc phải xem xét việc thỏa thuận đầy đủ cả 3 vấn đề: Quan hệ hôn nhân, quyền nuôi con, cấp dưỡng và chia tài sản chung vợ chồng. Nếu không thống nhất được 1 trong 3 nội dung này thì Tòa án không được công nhận thuận tình ly hôn.

Sở dĩ pháp luật quy định như vậy để đảm bảo vợ chồng khi ly hôn thì nghĩa vụ nuôi con, cấp dưỡng luôn được ưu tiên hàng đầu, đảm bảo cho đứa trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển bình thường đến năm 18 tuổi. Khi các bên không thống nhất được việc nuôi con và cấp dưỡng Tòa án sẽ chuyển thành vụ án ly hôn và xem xét giao con cho người có điều kiện tốt nhất dành cho trẻ em như: Đảm bảo về chỗ ở hợp pháp, nguồn thu nhập ổn định, điều kiện học hành và các điều kiện khác phát triển về thể chất, tinh thần.

Ví dụ: A và B nộp đơn lên Tòa án yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, cùng thống nhất giao con cho B nuôi. B yêu cầu A cấp dưỡng cho con mỗi tháng 10 triệu đồng, A không đồng ý. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ chuyển vụ án này thành vụ án “Ly hôn và tranh chấp quyền nuôi con và cấp dưỡng” để xem xét buộc bên không nuôi con cấp dưỡng số tiền tương ứng với thu nhập của họ.

Đối với thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng bị vô hiệu theo điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 khi: Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

Ví dụ: Anh A khi ly hôn với chị B có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu K. A sau đó lấy vợ mới là chị C. Sau khi kết hôn, A và C thỏa thuận giao hết tài sản của A cho C, dẫn đến A không cấp dưỡng được cho cháu K. Như vậy thỏa thuận của A và C vô hiệu vì đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của cháu K.

2.2. Nguyên tắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em khi ly hôn:

Về quyền nuôi con: Khi Tòa án xem xét giao con cho cha hay mẹ nuôi dưỡng, đối với trẻ từ 36 tháng tuổi trở xuống sẽ được ưu tiên giao cho người mẹ nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và Gia định: “3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Về chia tài sản: Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng yếu thế, cần được ưu tiên bảo vệ trong khi chia tài sản chung để đảm bảo cho người vợ được duy trì cuộc sống bình thường khi quan hệ hôn nhân đỗ vỡ.

Tại khoản 5 Điều 59 của Luật HN & GĐ 2014 quy định: Nguyên tắc giải quyết tài sản khi vợ chồng khi ly hôn: Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Ví dụ: A và B là vợ chồng. Khi ly hôn, Tòa án quyết định giao con chưa thành niên cho vợ nuôi. A và B có tài sản chung là 01 ngôi nhà duy nhất. Khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, trong trường hợp không chia được bằng hiện vật thì Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự nhận hiện vật và thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người chồng.

Khi chia tài sản chung vợ chồng về nguyên tắc tài sản chung vợ chồng được chia đôi. Tuy nhiên, Tòa án sẽ xem xét tình trạng về sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra nguồn thu nhập để chia cho phù hợp. Bên gặp khó khăn hơn so với bên kia trong việc tạo ra thu nhập hoặc duy trì cuộc sống bình thường sẽ được ưu tiên chia phần nhiều hơn.

Việc tính “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn. Thông thường, trong một gia đình ở Việt Nam truyền thống người vợ sẽ ở nhà chăm sóc con cái, lo việc nhà, nấu ăn đi chợ nên những việc làm này của người phụ nữ cũng được ghi nhận tương đương với việc người chồng đi làm tạo ra thu nhập. Tuy nhiên, nhiều người phụ nữ cứ lầm tưởng mình không tạo ra của cải vật chất gì nên từ  bỏ quyền lợi chính đáng của mình đáng được hưởng khi tranh chấp tài sản.

Ví dụ: A và B là vợ chồng. A là người chồng làm Giám đốc Doanh nghiệp, do nhà có điều kiện nên B là người vợ ở nhà nuôi 02 con, ở nhà chăm sóc con cái, chăm lo việc nhà. Đa phần nhà và đất mua được từ việc A kinh doanh phát đạt có thu nhập. Sau đó, A ngoại tình dẫn đến vợ chồng ly hôn.

Trường hợp này, khi xem xét phân chia tài sản Tòa án sẽ xem xét công sức ở nhà nuôi con, chăm lo việc nhà của người vợ cũng gần tương đương công sức công sức người chồng bỏ ra. Có khả năng người chồng sẽ được phần nhiều hơn nhưng không chênh lệch nhiều, Chồng: 55%, vợ: 45%. Tuy nhiên, do người chồng ngoại tình là người vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng dẫn đến việc ly hôn. Lúc này, Tòa án sẽ xem xét lỗi của người chồng điều chỉnh lại tỷ lệ để người vợ được hưởng.

Người phụ nữ ở Việt Nam khi lấy chồng thường có truyền thống về nhà chồng làm dâu, sống chung với nhà chồng. Lúc mới lấy nhau, gia đình nhà chồng cho đất bằng miệng hoặc giấy tờ để vợ chồng góp tiền cất nhà để chung sống, việc sử dụng nhà đất liên tục, công khai một thời gian dài. Tuy nhiên, khi vợ chồng mâu thuẫn dẫn đến ly hôn thì bố mẹ chồng sẽ đứng về người chồng đòi lại quyền sử dụng đất, người vợ có nguy cơ trắng tay khi ly hôn. Trong trường hợp này theo Án lệ số 03/2016/AL Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì phải xác định nhà đất này là tài sản chung vợ chồng và người vợ vẫn được chia ½ nhằm đảo bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ.

Nhìn chung, Pháp Luật về Luật Hôn nhân và Gia đình là một trong những đạo Luật không những góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sự ổn định các mối quan hệ gia đình Việt Nam mà còn giữ gìn, duy trì và phát huy những truyền thống, đạo đức tốt đẹp của Gia đình Việt Nam. Hầu hết những quy định được đặt ra đều mang tính nhân văn và sự tiến bộ của đạo Luật này qua từng thời kỳ lại càng rõ ràng hơn, quy định tốt hơn trong việc bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em là những người yếu thế trong xã hội khi vợ chồng ly hôn.

Trên đây là một số ý kiến của Công ty Luật TNHH HT Legal VN liên quan đến Quy định bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em khi ly hôn. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề này và các vấn đề pháp lý có liên quan, vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH HT LEGAL VN

VP1: 37/12 Hẻm 602 Điện Biên Phủ, P.22, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh (Cạnh UBND phường 22).

VP2: 207B Nguyễn Phúc Chu, P.15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.

Email: info@htlegalvn.com          Hotline: 09 6161 4040 – 09 4517 4040

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá: 2

Trở thành người đầu tiên đánh giá bài viết này.

error: Content is protected !!

0922 22 40 40

zalo-icon